Phấn đấu đạt mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội

(BKTO) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra vào chiều 05/5.



                
   

Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: chinhphu.vn

   

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong suốt 3 tháng qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng (liên tục gần 20 ngày không có ca nhiễm mới). Kết quả đạt được đến thời điểm này khẳng định quyết tâm, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục nhưng có nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh Chính phủ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội 3 tuần của tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 có một số điểm đáng chú ý. CPI tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tái đàn lợn còn chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4 tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất so giai đoạn 2016-2020. Vốn FDI thực hiện 4 tháng giảm 9,6%. Xuất nhập khẩu hàng hóa có lẽ là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó, xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế phù hợp với diễn biến của dịch bệnh

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước đồng hành, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt phòng, chống dịch; đồng thời phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là phải đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng, phấn đấu đạt cao hơn mức dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay.

Thủ tướng lưu ý sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch ở trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trở lại; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; báo cáo Quốc hội, Chính phủ quyết định việc giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19…

Tại buổi họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà báo về những vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua như: giá thịt lợn, sai phạm trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội, vụ án Đường Nhuệ, vấn đề học sinh trở lại trường, tuyển sinh đại học…

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Phấn đấu đạt mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội