Phần Lan: Tập trung xác định rủi ro của doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Phần Lan (NAOF) vừa hoàn thành một cuộc kiểm toán đánh giá những lợi ích chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), qua đó đã chỉ ra nhiều rủi ro, thiếu sót; đồng thời đề xuất giải pháp mà các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện để đảm bảo lợi ích của các DN.

9.jpg
Các DN Phần Lan mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngân sách quốc gia. Ảnh: ST

Các biện pháp ngăn chặn rủi ro chưa rõ ràng

Tính đến cuối năm 2022, Nhà nước Phần Lan có cổ phần tại 69 công ty, DNNN. Năm 2022, các công ty, DN thuộc sở hữu nhà nước mang về doanh thu khoảng 144 tỷ euro, sử dụng khoảng 300.000 nhân sự.

Cuộc kiểm toán của NAOF hướng tới đối tượng chính là Ủy ban Quản lý vốn thuộc Văn phòng Thủ tướng - cơ quan chịu trách nhiệm chính quản lý vốn và các lợi ích chiến lược của các DNNN, có sự hợp tác của các Bộ, ngành liên quan.

Cuộc kiểm toán cho thấy, Ủy ban Quản lý vốn đã có quy trình quản lý, phân tích rủi ro trong các DNNN nhưng chưa đưa ra quan điểm về mức độ rủi ro, khả năng chấp nhận rủi ro hoặc tính hiệu quả trong việc quản lý rủi ro của các DNNN.

NAOF khẳng định, bộ máy Hội đồng quản trị có ảnh hưởng đáng kể đến công tác quản lý rủi ro của các DNNN, tuy nhiên, hoạt động sở hữu và việc truyền đạt thông tin trong Hội đồng quản trị hầu như thiếu minh bạch. Ủy ban Quản lý vốn cho biết, hoạt động này dựa trên các cuộc thảo luận không công khai nên rất khó để xác định tác động, ảnh hưởng của các vấn đề liên quan.

Năm 2018, NAOF từng đưa ra các khuyến nghị giúp cải thiện công tác quản lý rủi ro ở chính quyền trung ương và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của các DNNN. Cũng trong năm đó, Quốc hội đã kêu gọi Chính phủ cần hoàn thành việc xác định quy trình quản lý rủi ro ở các cấp chính quyền trung ương vào cuối năm 2020. Sau đó, Cơ quan Quản lý rủi ro đã được thành lập, trực thuộc Ủy ban Tư vấn về kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro, với nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài đến ngày 31/12/2024.

NAOF đánh giá, Ủy ban Quản lý vốn và nhiều DNNN chưa phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ đánh giá tác động của các biện pháp quản lý rủi ro và tính liên tục của lợi ích chiến lược dẫn đến một số hậu quả như: Rủi ro đe dọa lợi ích chiến lược chưa được xác định cụ thể, các biện pháp ngăn chặn rủi ro đối với các công ty, DNNN chưa rõ ràng.

Trong các DNNN, việc xác định các rủi ro có tác động rất lớn đối với Nhà nước và xã hội. Rủi ro của các DNNN có thể mở rộng thành rủi ro của xã hội, của cả quốc gia. Do đó, các DNNN và Ủy ban Quản lý vốn cần nhận thức sâu sắc hơn việc thực hiện các biện pháp để đảm bảo lợi ích chiến lược, mang ý nghĩa lớn đối với Nhà nước và xã hội; đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với việc DN hoạt động kém hiệu quả, làm suy giảm lợi ích.

NAOF cho rằng, ranh giới về quản lý rủi ro giữa DN và Nhà nước còn mơ hồ. Trách nhiệm quản lý rủi ro của Hội đồng quản trị các DNNN tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ hoạt động của DN và quản lý các rủi ro nội bộ. Do Ủy ban Quản lý vốn không chủ động tham gia vào công tác quản lý rủi ro, việc quản lý các rủi ro tạo ra cho xã hội từ việc DN hoạt động không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động không được quy trách nhiệm cụ thể cho chủ thể nào.

Xác định rủi ro để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp

Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, NAOF đưa ra 6 khuyến nghị chính; trong đó có một số khuyến nghị rất đáng chú ý như: NAOF đề nghị Ủy ban Quản lý vốn cần xem xét, cân nhắc đến quan điểm của một số Bộ chủ quản khi xác định hoặc cập nhật lợi ích chiến lược của một DNNN. Ủy ban cần tổ chức phân công các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến việc giám sát thực hiện lợi ích chiến lược và rủi ro tiềm tàng của các DNNN.

Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn cần dựa trên các hướng dẫn chung để đưa ra những phương án giải quyết cụ thể hơn trong trường hợp lợi ích chiến lược của DNNN có nguy cơ bị ảnh hưởng; cần chú trọng hơn đến chính sách quản lý rủi ro của mỗi cơ quan, DN để quản lý các rủi ro trọng yếu đe dọa hoạt động kinh doanh của các DNNN và xem xét các nguy cơ có thể xảy ra trong việc quản lý rủi ro.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn cần đánh giá, xem xét phương án đưa một bản phân tích mức độ của hệ thống quản lý rủi ro của DNNN vào báo cáo phân tích tài chính của DN. Kế hoạch này nhằm nêu rõ trách nhiệm của tổ chức và tính hiệu quả của việc quản lý rủi ro.

Một số biện pháp Ủy ban Quản lý vốn có thể thực hiện như: Yêu cầu các DNNN lập báo cáo tổng quan về những rủi ro và công tác quản lý rủi ro của DN; các DN cũng cần báo cáo về những thông tin do cơ quan kiểm toán cung cấp tại cuộc họp thường niên, đặc biệt báo cáo về các phát hiện kiểm toán quan trọng, hướng dẫn về những vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý rủi ro và tài chính…/.

(Theo NAOF, vtv.fi và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Phần Lan: Tập trung xác định rủi ro của doanh nghiệp nhà nước