Bài 5: Phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển văn hóa

Thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai liên quan lĩnh vực văn hóa đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, giúp định hướng, khuyến khích phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa của đông đảo nhân dân, bên cạnh đó nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách này còn nảy sinh bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục, hoàn thiện để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.

khu-lhttqg.jpeg
Tình trạng khai thác, sử dụng đất kém hiệu quả, chưa đúng mục đích tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia từng nhiều lần bị cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ ra. Ảnh: vneconomy.vn

Bố trí, quản lý nguồn lực đất đai lĩnh vực văn hóa còn hạn chế

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ chế, chính sách đất đai gắn với thiết chế văn hóa ngày càng được quan tâm và được thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật có liên quan. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục - thể thao, trong đó đã có quy định về định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa theo công trình, làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện.

Mặc dù vậy, nguồn lực đất đai dành cho lĩnh vực văn hóa được cho là chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2020, nguồn đất dành cho phát triển văn hóa là 9,203 nghìn ha, chiếm 0,23% diện tích đất phi nông nghiệp (giảm 6,153 nghìn ha so với năm 2010); đất có di tích lịch sử - văn hóa là 7,704 nghìn ha, chiếm 0,20% diện tích đất phi nông nghiệp (giảm 9,61 nghìn ha so với năm 2010); đất cơ sở thể dục - thể thao có 19,96 nghìn ha, chiếm 0,51% diện tích đất phi nông nghiệp…

Về chỉ số bình quân đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao trên đầu người, cả nước hiện nay mới chỉ đạt 2,02 m²/người, còn khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn định mức hiện hành (3,0 - 4,0 m²/người). Cá biệt có tỉnh chỉ tiêu bình quân này đạt rất thấp (dưới 0,5 m²/người), nhất là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

“So với nhiều nước trong khu vực và trên thể giới, bình quân diện tích đất cơ sở thể dục - thể thao/đầu người của nước ta chỉ bằng từ 1/3 - 1/2 các nước (Indonesia 3,2 m²/người; Thái Lan 3,8 m² /người; Nhật Bản 4,2 m²/người...)” - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết.

Trong khi đó, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL). Một số khu đất cho công trình thể thao mặc dù đã có quy hoạch, song không được triển khai đầu tư xây dựng nên phải trả lại quỹ đất cho địa phương…

Những bất cập trong quản lý đất đai lĩnh vực văn hóa cũng được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua công tác kiểm toán. Theo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III - đơn vị phụ trách kiểm toán đối với lĩnh vực văn hóa, vẫn còn tình trạng đất dành cho văn hóa nhưng bị sử dụng trái mục đích, còn tình trạng lấn chiếm đất đai dành cho lĩnh vực văn hóa kéo dài nhiều năm song chưa được giải quyết triệt để... 

Bên cạnh đó, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, thể thao, du lịch có nơi còn chồng chéo, manh mún, thiếu đồng bộ dẫn đến lãng phí đất đai, hiệu quả đầu tư thấp. Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng. Đất dành cho hệ thống rạp chiếu phim, trụ sở của thư viện và các thiết chế văn hóa, thể thao đang dần bị thu hẹp và xã hội hóa, bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Còn theo Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) Đặng Khánh Ngọc, tình trạng lấn chiếm đất đai di tích, không giải quyết kịp thời và triệt để, làm ảnh hưởng đến giá trị và tính toàn vẹn của di tích. "Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, khi tham gia bảo tồn di tích, chúng tôi chỉ thực hiện dựa vào hiện trạng thực tế, còn tình trạng lấn chiếm đất đai di tích thuộc thẩm quyền của địa phương, nơi có di tích" - ông Ngọc cho biết. 

Đảm bảo hiệu quả của nguồn lực đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển văn hóa

Xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý đất đai gắn với các thiết chế văn hóa, các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo bố trí nguồn lực đất đai, gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn lực này, cũng như sửa đổi quy định về đất đai là vô cùng cấp thiết, từ đó tạo động lực cho phát triển văn hóa.

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính về đất đai đảm bảo huy động tối đa nguồn lực đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và các tổ chức dịch vụ công về đất đai nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Đối với dự án Luật Đất đai đang được lấy ý kiến sửa đổi, cần "xác định rõ nội hàm của Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có các dự án bảo tồn di sản văn hóa” – ông Sơn lưu ý; đồng thời đề nghị cần đảm bảo thực thi các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào văn hóa, trong đó có chính sách ưu đãi về đất đai. 

ditich4.jpg
Tình trạng lấn chiếm đất đai di tích gây ảnh hưởng đến giá trị và tính toàn vẹn của di tích. Ảnh: N.LỘC

Theo chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, các ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện để ngành VH,TT&DL giữ gìn và tăng cường cơ sở vật chất trong đó có quỹ đất để có điều kiện đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, thể thao,... theo các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thu hút các nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VH,TT&DL), hiện các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, quy hoạch sử dụng đất từ cấp quốc gia đến các địa phương cần ưu tiên quỹ đất cho xây dựng các công trình văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực; vùng, miền và các giai tầng xã hội. “Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa, đòi hỏi phải dành một quỹ đất thỏa đáng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng văn hóa, tạo lập không gian cho mọi hoạt động văn hóa của người dân” - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong cho biết. 

Cùng với việc đảm bảo nguồn lực đất đai cho lĩnh vực VH,TT&DL, cần thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật đất đai; kịp thời ngăn chặn những sai phạm và giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai để từ đó tạo động lực hữu hiệu cho phát triển văn hóa, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. 

Cùng chuyên mục
Bài 5: Phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển văn hóa