Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: QUANG THỤY
Trăn trở khi đất nước hội nhập
Năm 2015 là thời điểm đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và trên thế giới với việc Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EV-FTA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng có không ít những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn cần đồng thời giải quyết. Thực tế, nhiều nước đã khai thác rất tốt các cơ hội và lợi ích của hội nhập để đạt được mức tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cao, ổn định; đồng thời xử lý khá thành công các bất lợi và thách thức của quá trình hội nhập, như trường hợp Hàn Quốc, Singapore… Một số nước khác tuy vẫn gặt hái được lợi ích từ hội nhập, song xử lý chưa tốt mặt trái của quá trình này, dẫn đến đất nước bị bất ổn về chính trị, xã hội. Do đó, khi tiến vào hội nhập, chúng ta phải làm thế nào xử lý tốt những mặt trái của quá trình này. Trước hết, các nhà quản lý, điều hành đất nước cần phải nhìn nhận thẳng thắn, không né tránh những vấn đề đã gặp phải khi thực hiện các cam kết về hội nhập trước đây để tiếp tục chặng đường hội nhập sâu rộng trong thời gian tới.
Thứ nhất, vấn đề phát huy nội lực, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng. Tham gia quá trình hội nhập, chúng ta đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Chúng ta đã tận dụng được gì qua hội nhập, nội lực của ta đã được phát huy chưa?
Thứ hai, đất nước đã thống nhất 40 năm, công cuộc đổi mới đất nước cũng sắp trải qua chặng đường 30 năm, nhưng trình độ phát triển chung của các ngành kinh tế chưa thật sự vững chắc. Tốc độ tăng trưởng có cao nhưng chưa bền vững. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là khoáng sản, giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp...
Thứ ba, chúng ta đánh giá cao xuất khẩu lao động. Nhưng cần nhìn nhận rõ những kết quả mà hoạt động này mang lại, người lao động đã thực sự được coi trọng hay chưa, nguồn thu nhập từ lao động xuất khẩu của nước ta so với các nước trong khu vực thế nào?
Tất cả những vấn đề này cần được lưu ý trong quá trình hội nhập. Gần nhất với chúng ta là AEC, nhưng điều đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN-6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN. Chưa kể hàng loạt vấn đề về cạnh tranh, thu nhập của người lao động, an sinh xã hội khác nảy sinh sẽ là những thách thức khi chúng ta hội nhập với quốc tế.
Trong khi đó, các thế lực thù địch đang tiếp tục khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị - xã hội; lợi dụng việc mở cửa thị trường để gieo rắc, du nhập văn hóa, lối sống không lành mạnh nhằm phá hoại giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc… Trong bối cảnh đó, người lãnh đạo cần nắm vững những quan điểm cơ bản, những định hướng chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời kỳ mới. Củng cố và tăng cường đoàn kết không thể chung chung mà phải gắn với việc đảm bảo các lợi ích của nhân dân.
Xây dựng tinh thần cởi mở, hòa hợp đân tộc
Từ khi ra đời, Ðảng luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến vệ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay,sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Sau 40 năm đất nước thống nhất, gần 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vai trò của MTTQ Việt Nam tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều biến động hiện nay, công tác đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải đổi mới phương thức vận động, tập hợp nhân dân.Cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật với tinh thần khoa học và cách mạng về tình hình thế giới và đất nước những năm qua, hiện nay và trong những năm tới. Đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng đã được đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội, trong đó nêu rõ, tăng cường đại đoàn kết, trước hết Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo.
Xây dựng tinh thần cởi mở, hòa hợp dân tộc, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề không dễ thực hiện, càng không thể thực hiện một sớm một chiều. Chúng ta còn phải làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau ngày càng giảm bớt. Phải tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Trong dịp Tết đến, xuân về, chào đón một năm mới với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, tôi hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ nghĩ nhiều hơn về tình đoàn kết, về nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” của chúng ta. Tình đoàn kết ấy được cụ thể hóa bằng sự xum họp gia đình, ôn lại truyền thống của dòng tộc, tiếp đó là lan tỏa ra xã hội, nhân lên tình yêu thương, sẻ chia với đồng bào để cùng viết tiếp những trang huyền thoại của dân tộc trong thời đại mới.