Phát huy tính độc lập, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia

(BKTO) - Từ một cơ quan được thành lập mà không có cơ sở tiền thân, qua 30 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan chuyên môn hoạt động độc lập, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần quan trọng vào việc làm minh bạch nền tài chính quốc gia…

4.jpg
Đảm bảo tính độc lập và sứ mệnh làm minh bạch nền tài chính quốc gia. Ảnh: PHỐ HIẾN

Khẳng định tính độc lập của cơ quan Kiểm toán nhà nước

Tại Việt Nam, lần đầu tiên cơ quan KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Theo PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa - nguyên quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN), đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, trong một thời gian chưa dài, sự phát triển mạnh mẽ, đầy ấn tượng và năng động của KTNN có thể xem là trường hợp hiếm của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.

Ngày 28/11/2013, Hiến pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua, trong đó quy định địa vị pháp lý của KTNN là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (Điều 118). Luật KTNN năm 2015 đã quy định đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ của KTNN cho phù hợp với địa vị pháp lý đã được hiến định. Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm bảo đảm thực thi nguyên tắc độc lập trong tổ chức và hoạt động của KTNN; bảo đảm tính độc lập về tổ chức và tài chính của KTNN với các đơn vị quản lý và sử dụng tài chính nhà nước và hệ thống hành pháp.

Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), tính độc lập về tổ chức và tài chính giúp KTNN chống lại các áp lực từ bên ngoài và dễ phát huy tính độc lập về chuyên môn (từ lập kế hoạch kiểm toán, đến thực hiện kiểm toán, kết thúc và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán). Bên cạnh đó, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đã đề cao vai trò của KTNN trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cũng như yêu cầu sự vào cuộc của KTNN nhằm góp phần đảm bảo phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Qua 30 năm hình thành và phát triển, KTNN ngày càng khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc nhận thức rõ và phát huy tốt nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật sẽ giúp KTNN thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần vào việc làm minh bạch nền tài chính quốc gia…

Trên cơ sở tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, những năm qua, KTNN chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng lớn, những vấn đề bức xúc được Quốc hội và cử tri quan tâm nhằm giúp ngăn chặn hành vi tham nhũng. Ngoài kiểm toán tài chính công, tài sản công, KTNN còn kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, của địa phương với kết quả kiểm toán được đánh giá cao. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh: “Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, giúp địa phương hoàn thiện hơn công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công trên địa bàn”.

Phát huy tính độc lập, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán

Ở nước ta, việc thành lập và phát triển cơ quan KTNN xuất phát từ chính yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay, với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công, KTNN đang góp phần làm minh bạch việc quản lý, sử dụng nguồn lực công của đất nước, cũng như giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Kết quả kiểm toán của KTNN đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề tài chính, ngân sách và hoàn thiện chính sách pháp luật của Quốc hội, HĐND các cấp. TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá: Với tính chuyên môn cao và hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, thông tin kiểm toán do KTNN cung cấp đóng vai trò quan trọng giúp các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải: Kiến nghị của KTNN là kênh thông tin quan trọng giúp HĐND có căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, cũng như hỗ trợ cho công tác thẩm tra, giám sát, giúp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách của địa phương.

Theo đó, qua kết quả kiểm toán hằng năm đối với các tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công..., KTNN đã phát hiện và xử lý nhiều sai sót về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đồng thời kiến nghị giảm trừ, thu hồi về ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cũng trong quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều văn bản, quy định còn thiếu sót hoặc chưa phù hợp để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn, tránh kẽ hở để bị lợi dụng hoặc gây cản trở cho sự phát triển.

Dẫn chứng từ kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của KTNN chính là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, với nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước là nguồn dữ liệu tin cậy, giúp đại biểu Quốc hội thêm yên tâm vào số liệu quyết toán trước khi bấm nút thông qua.

Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, trong bối cảnh mới, nhằm phát huy nguyên tắc hoạt động độc lập được hiến định, KTNN cần phải tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; đổi mới một cách toàn diện, sâu, rộng nội dung, phương pháp kiểm toán; tích cực ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng KTNN thành cơ quan chuyên nghiệp với giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”, qua đó thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hiệu quả, tiết kiệm./.

Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương
    4 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Là đơn vị phụ trách kiểm toán 6 tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII đã bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, cũng như nội dung quy chế phối hợp với các địa phương, đưa công tác phối hợp đi vào chiều sâu. Kết quả kiểm toán đã góp phần giúp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.
  • Không ngừng gia tăng giá trị, đóng góp của Kiểm toán nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hàng chục văn bản… mỗi năm, cùng với những nỗ lực, đổi mới không ngừng trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã và đang thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
  • Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập: Mục tiêu chung, giá trị riêng
    4 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho rằng, đôi khi, việc nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò của hoạt động kiểm toán đã dẫn đến sự đối phó với kiểm toán, không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Giúp người dân và toàn xã hội hiểu đúng - đủ - rõ về Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Kiểm toán độc lập (KTĐL) là một phần trách nhiệm của truyền thông.
  • Rà soát ngân hàng câu hỏi đánh giá việc cập nhật kiến thức kiểm toán
    4 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Việc rà soát danh mục văn bản, tài liệu và hệ thống ngân hàng câu hỏi, đáp án phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng câu hỏi, tính chính xác của đáp án; đồng thời tăng cường gắn kết câu hỏi với thực tế hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và bổ sung các kiến thức mới.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, phân loại thông tin đấu thầu
    4 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Việc thu thập thông tin, dữ liệu từ hệ thống đấu thầu quốc gia sẽ góp phần làm giàu kho dữ liệu số của Kiểm toán nhà nước (KTNN), hỗ trợ công tác phân tích, ứng dụng các công nghệ vào hoạt động kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Phát huy tính độc lập, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia