Phát triển bền vững BHXH tự nguyện - kinh nghiệm từ cấp huyện

(BKTO) - Phát triển bền vững đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là mục tiêu mà ngành BHXH nói chung và cơ quan BHXH ở các địa phương nói riêng đều hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, nhiều cơ quan BHXH cấp huyện đã có những cách làm hay, những kinh nghiệm hữu ích, mang lại hiệu quả thiết thực.



                
   

Trao sổ BHXH cho người lao động. Ảnh: TTXVN

   

Nhiều huyện tưởng “khó” nhưng lại dẫn đầu địa phương

8 tháng đầu năm 2021, BHXH huyện Đắk Glei tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh Kon Tum về chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện với kết quả đạt trên 90% kế hoạch năm.

Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn huyện có 1.313 người tham gia BHXH tự nguyện, gấp trên 5,5 lần so 12 năm trước cộng lại (2008-2019).Từ cuối quý I/2021, đơn vị này đã chính thức gia nhập “Câu lạc bộ 1.000” - trở thành một trong ba đơn vị BHXH của tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện từ 1.000 người trở lên.

Trong khi đó, Đắk Glei vốn là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, có tới 10/12 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số, mức thu nhập thấp, không ổn định...

Còn tại tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải cũng là một trong những địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn song BHXH huyện Tiền Hải đã phát triển thêm 2.772 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 117% kế hoạch. Tính đến hết tháng 4/2021, huyện Tiền Hải có 5.884 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 794 người so với cuối năm 2020.

Kết quả này đóng góp tích cực vào thành tích chung của BHXH tỉnh Thái Bình khi số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng. Năm 2020, toàn tỉnh tăng mới 11.928 người, 4 tháng đầu năm 2021 tăng mới 4.464 người, nâng số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh lên 31.187 người.
                
   

Cán bộ BHXH tuyên truyền để từng người dân hiểu về chính sách. Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính

   

Hay tại huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, BHXH huyện đã phát triển mới được 819 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm lên 3.519 người, đạt và vượt hơn 3% so với kế hoạch năm 2021 về số người tham gia BHXH tự nguyện.

Với tỉnh Thái Nguyên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũngđược đánh giá đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2020, huyện Đồng Hỷ phát triển được 1.784 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 104,94% kế hoạch. Tính đến hết tháng 3/2021, toàn huyện phát triển được 1.755 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 63,35% kế hoạch năm.

Kinh nghiệm công tác từ tuyến huyện

Trong khi đó, xuất phát điểm của công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Đắk Glei rất gian nan. Con số minh chứng là tính đến cuối năm 2019, sau 12 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn huyện chỉ có 222 người tham gia.

Ông Thái Đông Hải, Giám đốc BHXH huyện Đắk Glei cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu thông tin, không hiểu rõ về lợi ích và tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện.
                
   

BHXH tự nguyện mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: TTXVN

   

Do vậy, BHXH huyện Đắk Glei đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế cấp huyện và các Ban chỉ đạo cấp xã, kèm theo quy chế hoạt động của từng cấp.

Trên cơ sở đó, BHXH huyện Đắk Glei và các Ban chỉ đạo tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH, trong đó chú trọng đến BHXH tự nguyện.

Hiểu rõ tập tính của người dân, cơ quan BHXH chọn địa điểm tổ chức là nhà Rông và thời gian tổ chức là buổi tối, tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số, kết hợp phát hành tờ gấp in bằng 2 thứ tiếng để bà con dễ nghe, dễ hiểu.

Một kinh nghiệm thiết thực - theo chia sẻ của các cơ quan BHXH cấp huyện - là phải tư vấn được cho người dân lựa chọn mức phí phù hợp, làm sao để không ảnh hưởng đến chi tiêu thiết yếu của người dân.

Cùng với đó là tư vấn kỳ đóng phí hợp lý, chẳng hạn với người dân làm nghề buôn bán hoặc lao động làm thuê thì đăng ký thu phí theo tháng; còn với những người nông dân thì đóng phí theo chu kỳ thu hoạch mùa vụ hoặc vòng đời của sản phẩm vật nuôi, cây trồng. Điều này vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa tình trạng dừng đóng, đóng ngắt quãng, vừa đảm bảo phát triển bền vững đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Là một địa phương đạt kết quả tốt trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, ông Phan Văn Rí, Giám đốc BHXH huyện U Minh cho biết, một trong những cách làm hiệu quả là BHXH huyện đã phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã, bám sát người dân để vận động, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục.

Chia sẻ kinh nghiệm của ông Phan Văn Rí cũng cho thấy, tính thời điểm để vận động, tuyên truyền người dân tham gia là rất quan trọng. Thời điểm để BHXH huyện U Minh đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thường vào mùa khô, thời tiết tốt, người dân trên địa bàn đang có nguồn thu nhập mùa vụ ổn định. Điều này tạo thuận lợi cho cả người dân và đại lý, cơ quan BHXH, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” cũng là cách làm của nhiều cơ quan BHXH cấp huyện và các cấp xã, phường, thôn, xóm...

Qua đó, cán bộ BHXH của các huyện thường phối hợp với các đại lý thu đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục, giúp cho người dân hiểu rõ chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, của ngành BHXH, cũng như thấy được quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện để người dân tích cực tham gia và duy trì sự tham gia một cách ổn định, bền vững.

ĐỨC HUY
Cùng chuyên mục
Phát triển bền vững BHXH tự nguyện - kinh nghiệm từ cấp huyện