Ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là thách thức lớn, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cùng với kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cần ưu tiên tập trung khơi thông các điểm nghẽn, xử lý các hạn chế, bất cập kéo dài… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

1-1-.jpg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ST

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho thấy, năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong những quốc gia phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững sau đại dịch. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, các khó khăn, bất cập nội tại của nền kinh tế cũng cần được đánh giá sâu hơn. Điển hình như, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra). Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, trong 5 chỉ tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, phần lớn là các chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động… Đây là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt đây là những chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững…

Đáng chú ý, theo phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 3 quý đầu năm 2023 chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài, nhất là xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và đầu tư tư nhân.

GDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023, là mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm. “Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn” - cơ quan thẩm tra nhận định.

Những “điểm nghẽn” cần tiếp tục khơi thông

Thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục khơi thông các “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Bí Thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu thực tế: “Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm bất động. TP. Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự”. Đồng thời, ông Dũng nhấn mạnh: Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì thị trường vật liệu xây dựng sẽ được khơi thông, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Hầu như tất cả các lĩnh vực ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp của trung ương giải ngân rất thấp. Vì vậy, cần phải có đánh giá sâu hơn vấn đề này; chấn chỉnh lại công tác chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ thực hiện; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị sử dụng nguồn lực đầu tư; điều chuyển vốn từ những nơi không hấp thụ được, không giải ngân được đến những nơi cần, những đơn vị giải ngân tốt, những dự án, công trình trọng điểm.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước)

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến quan tâm đến việc cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân đầu tư công, bởi đây được coi là “chìa khóa” tăng trưởng. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) nhấn mạnh, chưa bao giờ chúng ta có nguồn lực đầu tư công lớn như nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ và ý kiến của nhiều đại biểu, việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và chúng ta vẫn trong tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ.

Theo đại biểu, bên cạnh những khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng hay một số quy định pháp luật còn vướng mắc, những bất cập trong khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án cần đặc biệt quan tâm, tháo gỡ. “Thực tế xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho thấy gần như các dự án khởi công mới là chúng ta chạy ngược lại, có tiền mới phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan hướng dẫn thêm cho các Bộ, ngành, địa phương để quán triệt tinh thần của Luật Đầu tư công, cần quan tâm hơn đến công tác chuẩn bị đầu tư; ngay từ bây giờ phải chuẩn bị các chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư trong giai đoạn tiếp theo” - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề xuất.

Đại biểu Đỗ Đức Duy (Đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo để hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như kế hoạch triển khai các quy hoạch quốc gia, đặc biệt là Quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương thu hút đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án mới cũng như để các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các địa phương.

Các đại biểu cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế…/.

Cùng chuyên mục
Ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế