Đã cơ bản hoàn thiện cơ chế, chính sách
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Nhưng sau 3 năm triển khai Chương trình vẫn rất chậm. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Cùng mối quan tâm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) chỉ ra, việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình giải ngân vốn còn chậm và rất nhiều vướng mắc về cơ chế quản lý. “Xin Bộ trưởng cho biết đâu là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?” - đại biểu chất vấn.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận việc chậm triển khai Chương trình và cho biết, trong 2 năm qua, các cấp, các ngành đang tập trung vào vấn để thể chế và các văn bản hướng dẫn. “Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các văn bản hướng dẫn của Chính phủ để chỉ đạo các Bộ, địa phương đã hoàn thành để cho các địa phương triển khai. Chúng tôi sẽ cùng với các Bộ, ngành để hoàn thiện nốt tất cả các văn bản” - ông Hầu A Lềnh nói.
Chia sẻ với trăn trở của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Trăn trở của đại biểu cũng chính là trăn trở của chúng tôi và của các cấp, các ngành, các địa phương. Vì Chương trình rất rộng lớn, nằm ở những địa bàn rất khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách tích hợp vào Chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực, có những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, nên việc thực hiện khá khó khăn”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật đã cơ bản hoàn thành song điều đáng lo nhất là quá trình triển khai trên thực địa đối với đội ngũ cán bộ, bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình.
“Trung ương chỉ hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra, tỉnh thì phân cấp cho huyện, huyện lại phân cho xã, xã thậm chí xuống đến cấp thôn, bản để tổ chức thực hiện, cấp phát cho bà con nhân dân tổ chức thực hiện tại thôn, bản, đến hộ gia đình. Đây là một vấn đề rất khó, rất nhiều chi tiết nhỏ lẻ” - ông Hầu A Lềnh báo cáo.
Về giải pháp để triển khai Chương trình trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, mặc dù các quy định, cơ chế, chính sách đã cơ bản hoàn thành, nhưng cũng chưa đảm bảo không phát sinh vấn đề trong quá trình thực hiện. Do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Đối với địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa mọi nguồn lực cho địa phương. Trách nhiệm địa phương sẽ là tập trung lực lượng để triển khai.
Lo ngại tiền chi nhiều cho hội nghị, hội thảo
Cũng liên quan đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn Báo cáo số 100 của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội vào tháng 4/2023, trong đó có nêu việc triển khai Chương trình còn hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, tình trạng giải ngân kém, phải trình Quốc hội kéo dài thời hạn thực hiện.
Đáng ngạc nhiên hơn báo cáo của Ủy ban Dân tộc về nguyên nhân chậm trễ lại nêu là do thời tiết, do Covid-19, do biến động quốc tế.
“Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của Bộ trưởng về sử dụng vốn ngoài việc giải ngân rất thấp, chỉ đạt 4.634 tỷ đồng (bằng 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo tập huấn, hội thảo bình đẳng giới 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỷ đồng, kiểm tra hội thảo 88 tỷ đồng; trong khi đó xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ đồng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thừa nhận, tình trạng chậm trễ về cơ chế, chính sách là có.
"Chúng tôi đã báo cáo và nhận trách nhiệm với Chính phủ về những chậm trễ trong giai đoạn 2021-2022. Trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm ngoái, Chính phủ đã nhận trách nhiệm với Quốc hội về sự chậm trễ này. Thực tế thì đến tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt quyết định đầu tư, sau đó phân công các Bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn. Từ đó đến hết năm 2022, việc triển khai xây dựng các văn bản đã cơ bản hoàn thành. Từ đó đến nay, Chính phủ đã rất tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản" - Bộ trưởng giải trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nhìn nhận: "Trách nhiệm của chúng tôi là cùng phối hợp các Bộ, ngành để ban hành hệ thống văn bản, thông tư hướng dẫn, nên trong sự chậm trễ có trách nhiệm đôn đốc của chúng tôi".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì nhưng chỉ làm một thông tư, tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg, Quyết định 39/2021/QĐ-TTg. Còn trách nhiệm ban hành văn bản thì Ủy ban Dân tộc có 2 thông tư, 9 thông tư và các văn bản hướng dẫn khác nằm ở các Bộ, ngành.
Về các dự án cụ thể, Bộ trưởng cho biết, đó là các dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì thực hiện, chủ yếu tập trung vào công tác truyền thông, mới thực hiện được một số hội thảo. Còn nội dung quỹ tín dụng của Hội phụ nữ, liên quan đến quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định về thành lập các quỹ ở địa phương.
“Hội Liên hiệp Phụ nữ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực Trần Lưu Quang đã giao cho Ủy ban Dân tộc cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thống nhất lại dự án này. Nếu trong trường hợp không thể triển khai được vì vướng luật thì cũng là một dự án không triển khai được trong nhóm khó triển khai để báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh trong kỳ họp tháng 10” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thông tin./.