Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng
Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng từ 6 - 7%. Nhưng mặt khác, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000-2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011-2016, riêng năm 2018 vừa qua là trên 10%. Các dự báo của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm và như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.
Giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hiện nay chính là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng tái tạo) dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...
Các nghiên cứu đánh giá cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch này. Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó, lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.
Chi phí đầu tư còn cao, cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng…
Dù có nhiều lợi thế nhưng việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức. Nhiều ý kiến lo ngại: khả năng đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống còn hạn chế, việc đầu tư vào lĩnh vực này có thể sẽ trở thành phong trào nhất thời mà không mang lại nhiều hiệu quả.
Hiện Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo thống kê, cuối năm 2018, đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó, 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA). Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày là cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch. Số lượng nhà máy điện gió được vận hành mới dừng ở 8 nhà máy, công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, khoảng 212 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 2,1% toàn hệ thống. Cùng với đó, cả nước đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định: Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, Việt Nam đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua vẫn đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên... Bởi vậy, trong thời gian tới, cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này.
Về phía DN đầu tư, ông Russell Marsh - Công ty Ernst & Young Sollutions - cho biết: Việt Nam cần thiết kế một môi trường cho phép thúc đẩy tài trợ, các chính sách công và hành động được thiết kế để thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần hài hòa các chính sách tài chính, giá năng lượng để cho phép có mức giá hợp lý hơn; cải cách và đơn giản hóa quá trình cấp phép và thu hồi đất.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề giá điện, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Cơ chế giá cho điện mặt trời sẽ được thay đổi, dự kiến áp dụng sau tháng 6/2019. Theo đó, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và 4 loại hình sản xuất, gồm: dự án điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời mái nhà. Ưu điểm của giải pháp này so với mức giá “cào bằng” 9,5 cent (gần 2.100 đồng) một kWh là có sự phân mảnh khá rõ khi cơ quan quản lý đang muốn tạo ra sự hấp dẫn với dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng đó, phân tán bớt dự án tại khu vực bức xạ nhiệt cao lâu nay vẫn tập trung tại Bình Thuận, Ninh Thuận…
LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019