Phát triển ngành bán dẫn - chìa khóa cho công nghệ số tương lai

(BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ, ngành bán dẫn còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia. Rất nhanh chóng, Việt Nam đã gia nhập thị trường này với những quyết sách chiến lược.

s_16-bai-ban-dan-thay.jpg
Nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ AI do Việt Nam sản xuất được trưng bày tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: M. THÚY

"Huyết mạch" của nền kinh tế số

Khởi điểm từ Mỹ với việc phát minh ra chiếc bóng bán dẫn đầu tiên vào năm 1947, theo thời gian, ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu với quy mô thị trường và tiềm năng phát triển to lớn. Được coi như là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, là tiêu điểm, có khả năng tác động mạnh mẽ tới các ngành công nghiệp, lĩnh vực khác như: Điện tử tiêu dùng, ô tô, viễn thông, công nghệ thông tin, năng lượng, y tế, quốc phòng và an ninh, giải trí..., cũng như những công nghệ mới nổi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, Internet vạn vật (IoT), 5G...

Những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung được ví như những "hạt gạo" bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khóa cho các công nghệ số trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Các chuyên gia cho rằng, công nghiệp bán dẫn không chỉ cung cấp những sản phẩm và giải pháp công nghệ mới, mà còn có vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu, quyết định cách con người sống và làm việc trong tương lai. Theo Báo cáo thường niên lần thứ 19 về triển vọng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2024 của Công ty kiểm toán KPMG (Hà Lan), dự báo về mức tăng lợi nhuận hoạt động của toàn ngành công nghiệp bán dẫn cao hơn đáng kể trong cuộc thăm dò khảo sát năm 2024 (70%) so với năm ngoái (44%), điều này phản ánh sự gia tăng dự kiến về nhu cầu và mức giá bán vững chắc.

Dự báo, trong năm 2024, doanh thu của ngành bán dẫn có thể đạt hơn 620 tỷ USD. Về dài hạn, tới năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn dự báo sẽ đạt doanh thu toàn cầu trị giá 1.000 tỷ USD. Công nghiệp bán dẫn thực sự được xem là cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ XXI.

Hiện thực hóa giấc mơ ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, rất nhanh chóng, Việt Nam đã tham gia vào thị trường ngành bán dẫn thông qua việc xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Theo đó, tháng 8/2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã chính thức được thành lập với Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tháng 9/2024, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo căn cứ quan trọng nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong tương lai.

Cũng trong tháng 9/2024, Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được ban hành, với mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Song song với đó, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn cũng được quan tâm xây dựng. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Luật Thủ đô, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố đã được nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn...

Việt Nam nên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi về thuế quan, có các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn - yếu tố cực kỳ quan trọng đối với ngành bán dẫn, để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ John Neuffer

Với sự nỗ lực, quyết liệt trong hành động của cả hệ thống chính trị, đến nay, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút được hơn 40 công ty, tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… với 174 dự án FDI. Tổng số vốn đăng ký đạt gần 11,6 tỷ USD.

Đặc biệt, ngày 05/12/2024, Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với NVIDIA - Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới - nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. "Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã gia nhập mạnh mẽ vào thị trường ngành công nghiệp bán dẫn… Năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, một dòng chip phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G - dòng chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây - đã được phát triển và thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Theo Trung tá Nguyễn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Viettel, sang năm 2025, trên cơ sở làm việc với NVIDIA vào năm 2023, Viettel cam kết sẽ xây dựng, triển khai trung tâm dữ liệu có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực. Dự kiến trong giai đoạn 1 triển khai trung tâm này, Viettel sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD ngay trong năm 2025 để mua thiết bị.

Là đơn vị tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm cả đào tạo về nhân lực và hợp tác quốc tế, nghiên cứu triển khai, trong năm 2024, Tập đoàn FPT đã đẩy mạnh mảng bán dẫn, với khoảng 200 kỹ sư thiết kế làm việc với khoảng 30 khách hàng tại 3 quốc gia, gồm: Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam; đồng thời, hợp tác với NVIDIA xây dựng AI Factory đầu tiên ở Việt Nam và Nhật Bản. Riêng lĩnh vực giáo dục đào tạo, năm 2024, FPT đã tuyển sinh được 1.500 sinh viên...

Để hiện thực hóa giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, các chuyên gia đề xuất cần có Chiến lược xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia đứng đầu về 3 lĩnh vực: Nguồn nhân lực về bán dẫn đứng số 1 ở khu vực và thế giới; đứng đầu về công nghệ kiểm thử tiên tiến và xây dựng các AI chip. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tạo môi trường ngoại giao bán dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp như hiện nay./.

Cùng chuyên mục
  • Tự chủ không phải là tự… “bơi”
    10 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tự chủ, không có nghĩa là để các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự lo mà là thay đổi phương thức đầu tư cho các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, để thúc đẩy cơ chế tự chủ đạt mục tiêu kỳ vọng thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tổ chức kiểm soát hoạt động của đơn vị tự chủ, đặc biệt là cơ chế công khai, minh bạch và giải trình.
  • Giải quyết những “điểm nghẽn” để phát triển đô thị bền vững
    12 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Phát triển đô thị nhanh, bền vững là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ để gỡ “điểm nghẽn”, qua đó tạo ra sự thay đổi đột phá cho quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam.
  • Chủ động để GenAI mang lại lợi ích, đảm bảo công bằng
    26 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việc áp dụng AI tạo sinh (GenAI) rất quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) hướng tới mục tiêu tăng trưởng mang tính chuyển đổi và duy trì lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng GenAI không phải là không có rào cản và rủi ro, buộc các DN phải có chiến lược chủ động để mang lại lợi ích và đảm bảo sự công bằng.
  • “Bịt lỗ hổng” thể chế để phòng, chống tham nhũng
    một tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Chính phủ xác định thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
  • Năng lượng tái tạo: Thu hẹp khoảng cách và mở rộng quy mô tăng trưởng
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năng lượng tái tạo (NLTT) ước tính chiếm 77% nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp của thế giới vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai NLTT phải tăng gấp ba lần so với mức năm 2022 vào năm 2030, tương đương với mức bổ sung hằng năm là 1200 gigawatt.
Phát triển ngành bán dẫn - chìa khóa cho công nghệ số tương lai