Xử lý nghiêm các vi phạm
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nêu rõ, hiện tại “thẻ vàng” IUU của EC đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta.
Qua 3 lần kiểm tra đánh giá, mặc dù EC đã ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đã có những chuyển biến tích cực, nhưng đến nay đã gần 6 năm nước ta chưa gỡ được thẻ vàng. Trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng và Thái Lan mất 3 năm để gỡ thẻ vàng.
Dự kiến EC sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10/2023 và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Trong báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng đã xác định 5 giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng.
“Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp đó đã đầy đủ, đồng bộ, triệt để chưa và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của EC vào tháng 10 sắp tới không?”- đại biểu Thanh nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ: “Việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU không phải là một mục tiêu duy nhất. Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác”.
Bộ trưởng cũng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, thậm chí đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý.
“Bộ NN&PTNT sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu rõ, nuôi biển là một cách giảm khai thác. Do đó, đối tượng ưu tiên đầu tiên chính là các ngư dân mà chúng ta mong muốn giảm lượng tàu khai thác, sau đó đến các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp thì phải có hệ sinh thái của những người dân, để đảm bảo ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác. Như vậy việc nuôi biển mới có thể thành công, hướng tới hai mục tiêu phát triển kinh tế và giảm lượng khai thác.
Trước đó, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ NN&PTNT nêu rõ các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ thẻ vàng.
Đó là thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến 08/8/2023 tiếp tục xảy ra 26 tàu/166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan (chưa kể các vụ việc bị Campuchia bắt giữ, xử lý 10 tàu/36 ngư dân), tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang. EC khẳng định không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.
Đồng thời, các Hội, Hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.
Làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) về những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã có Quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề.
Tuy nhiên, vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành “cú hích” để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi, trong diện không cho khai thác cường độ cao để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Theo đó, có thể lựa chọn phương án bà con lên bờ, nhưng vẫn duy trì nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường.
Ngoài ra, có thể chuyển hẳn sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp. “Mỗi đối tượng đều phải có chính sách cụ thể kèm theo, không nên đưa ra chính sách chung chung” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn. Bộ NN&PTNT cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đã quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%.
Bộ trưởng nhấn mạnh, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn giúp giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt.
Tuy nhiên, hiện nay cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún. Do đó, các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt.