Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương
Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000 MW điện gió, 60 MW điện mặt trời và 24 MW điện sinh khối.
Trong 16 dự án điện gió trên địa bàn, hiện chỉ có 3 dự án với tổng công suất 100MW đã đóng điện vận hành trước ngày 01/11/2021; 1 dự án chuyển tiếp (vận hành sau ngày 01/11/2021), công suất 50 MW (đủ điều kiện vận hành 25 MW); 1 dự án chuyển tiếp, công suất 45MW đã hoàn thành thi công, đang thực hiện kiểm tra, nghiệm thu, hoàn thiện các thủ tục để vận hành thương mại theo cơ chế chuyển tiếp.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang vận hành Nhà máy điện Cà Mau 1&2 với tổng công suất thiết kế 1.500MW.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, một số dự án điện gió nói trên đã thi công hoàn thành nhưng chỉ được vận hành với giá mua điện bằng 50% giá trần của Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chưa có giá bán điện mới.
Đồng thời, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể phát triển thêm các loại hình điện mặt trời. Từ đó, gây khó khăn cho nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án, cũng như khó thu hút thêm nhà đầu tư mới thực hiện các dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Vì thế, điều này cần được tháo gỡ.
Ông Huỳnh Quốc Việt cũng mong muốn tỉnh Cà Mau được thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (văn bản thuộc giai đoạn 2012-2015 đã hết hiệu lực); xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền có phương án tăng cường nguồn cấp khí vì mỏ khai thác khí PM3-CAA trong giai đoạn cuối vòng đời dự án, khả năng cấp khí vào bờ suy giảm trong các năm tới.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hằng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%, từ đó kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh, nhất là đầu tư hạ tầng; khả năng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ không thực hiện được.
Dó đó, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, thành lập mới chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Cà Mau, hoặc bổ sung trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư tỉnh uỷ Cà Mau nêu vấn đề, nên xem xét việc nhập nguồn khí nước ngoài để phát triển công nghiệp, giữ nguồn tài nguyên cho phát triển tương lai; xem xét tính hiệu quả đường ống dẫn khí từ Lô B Ô Môn…
Sẽ sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - đánh giá: tỉnh Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị nhằm triển khai chính sách pháp luật để tổ chức thực hiện các quy hoạch về điện lực, hệ thống xăng dầu, năng lượng tái tạo...; các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra một số hoạt động năng lượng... đồng bộ, thống nhất và phù hợp các văn bản pháp luật của Trung ương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hoà Carbon (Net-zero) vào năm 2050.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, cần được kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng như những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và các cơ quan liên quan về sửa đổi, hoàn thiện những chính sách, pháp luật liên quan về phát triển năng lượng.
Qua giám sát thực tế, ghi nhận ý kiến từ các địa phương, trong đó có Cà Mau, Đoàn sẽ lập báo cáo tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các ngành liên quan ban hành những chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình thực tế, tầm nhìn chiến lược, nhất là từ nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu năng lượng, mang về lợi ích kinh tế cho đất nước, đảm bảo về môi trường, ổn định về đất đai…/.