Mục tiêu kép trong phát triển nông nghiệp xanh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - sẽ mất từ 500 nghìn đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, ước tính sơ bộ sẽ gây thiệt hại lên tới 3% GDP. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn.
GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi cần sự chung tay vào cuộc của các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã có các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và hiện đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Để tạo cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động phát triển xanh, bền vững, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030..., cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh.
Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình và kế hoạch hành động khác nhau nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh.
“Lợi ích của phát triển nông nghiệp xanh chính là hài hòa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, có trách nhiệm khi giúp giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp.
Nhấn mạnh một trong những trở ngại khiến Việt Nam khó chuyển đổi sang sản xuất xanh đó là sản xuất còn nhỏ lẻ, thủ công, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NNPTNT Nguyễn Văn Tiến đề nghị cần phải đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Muốn vậy, cần “tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp” - ông Tiến nhấn mạnh.
Liên kết theo chuỗi giá trị - động lực để thúc đẩy sản xuất xanh
Một trong những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sản xuất xanh bền vững, đó là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết chuỗi giá trị nông sản gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến và sản xuất. Đây vừa là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để ngành nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng, trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Lễ ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi sản phẩm cho 3 vụ liên tiếp (Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025) giữa Hợp tác xã Tiến Thuận (TP. Cần Thơ) và doanh nghiệp tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch là minh chứng cho việc phối hợp, liên kết giữa các bên là động lực quan trọng để thúc đẩy thành công của quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp.
Trước đó, Hợp tác xã Tiến Thuận là đơn vị đầu tiên được lựa chọn thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, ngay từ vụ Hè Thu vừa qua.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Lê Thanh Tùng cũng cho rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu vào, vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân là "bảo chứng" để thúc đẩy sản xuất xanh trên phạm vi toàn quốc.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, đến nay, sản xuất xanh vẫn là khái niệm còn mới với người nông dân. Trong khi với doanh nghiệp, nông nghiệp vốn là lĩnh vực khó tìm kiếm lợi nhuận và chứa đựng nhiều rủi ro.
Do đó, để tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các bên, cơ quan chức năng cần phải làm cho người dân hiểu và thuyết phục người dân, doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi xanh thông qua chính lợi ích từ hoạt động sản xuất này mang lại.
“Đã qua rồi thời kỳ mạnh ai nấy làm, mãi loay hoay với cảnh được mùa thì mất giá” - ông Thủy nói và cho rằng, chỉ có liên kết lại, thì các bên mới bổ sung, hỗ trợ được cho nhau.
Về phía Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NNPTNT cho rằng, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất xanh.
Theo đó, cần chú trọng việc hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; quyết liệt thực thi cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, tham gia liên kết theo chuỗi.
Các ý kiến cũng cho rằng, trên cơ sở đánh giá, tổng kết qua thực tế, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong đó, chú trọng tới chính sách tín dụng, bao gồm áp dụng mức trần lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cấp vốn, áp dụng ưu đãi cho các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng…
Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp xanh gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nhất là các ngành chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ, trong đó có ưu đãi đặc biệt thu hút doanh nghiệp về các vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao khả năng dự báo, hỗ trợ thị trường đầu ra ổn định, tạo điều kiện để mối liên kết sản xuất, tiêu thụ diễn ra thông suốt, từ đó tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ theo hướng dài hạn.
“Để liên kết đi vào chiều sâu, Nhà nước với vai trò là “trọng tài” cần tham gia vào mối liên kết nhằm hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng; quy hoạch vùng nguyên liệu xanh; chuyển giao khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại” - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Văn Bộ cho biết.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn ngành xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng tới 71,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 sẽ cán đích 55 tỷ USD, thậm chí có thể đạt mốc 58 - 60 tỷ USD nếu giữ được đà tăng trưởng như 3 quý đầu năm 2024.