Biên chế thấp làm gia tăng áp lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn
Với gần 10 năm làm cán bộ công đoàn chuyên trách ở địa phương và qua tổng hợp ý kiến của đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phản ánh, hiện nay nhiệm vụ của công đoàn ngày càng phức tạp, khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng biên chế lại rất hạn chế, điều này làm gia tăng áp lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn nhất ở cấp cơ sở.
“So với các tổ chức chính trị xã hội khác, biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chỉ bằng 1/3. Chẳng hạn, đến tháng 3/2024, tổng biên chế của các tổ chính trị xã hội như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Mặt trận khoảng 62.000 người, trong khi đó tổng biên chế của cán bộ công đoàn địa phương khoảng 5.119 người. Con số này rõ ràng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là khi số lượng công đoàn cơ sở và đoàn viên gia tăng” - đại biểu Thạch Phước Bình dẫn chứng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, việc quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chưa đồng bộ giữa các địa phương. Công đoàn trả lương cho cán bộ trong toàn hệ thống nhưng biên chế lại do cấp ủy địa phương quản lý, dẫn đến sự không đồng đều trong phân bổ nhân sự. Ví dụ, ở hai địa phương có điều kiện xã hội tương tự nhau, số lượng biên chế cán bộ công đoàn khác nhau do quyết định của cấp ủy khác nhau. Cùng với đó, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là những người làm việc tại các doanh nghiệp không thuộc biên chế công chức và thường hoạt động kiêm nhiệm. Điều này làm họ gặp khó khăn, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chính họ cũng là người lao động và phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.
Từ thực tế trên và qua tham khảo Luật Công đoàn một số nước trên thế giới, đại biểu đề xuất nên quy định ở những doanh nghiệp có từ 200 công nhân trở lên được phép bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách để đảm bảo hoạt động một cách tương đối độc lập; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp có đông công nhân không thuộc biên chế công chức nhưng được tuyển dụng dưới hình thức hợp đồng lao động. Điều này sẽ giúp công đoàn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đề xuất xây dựng chính sách phù hợp để tuyển dụng, đào tạo và tạo động lực cho cán bộ công đoàn, đồng thời, giao biên chế hợp lý để đáp ứng nhu cầu thực tế của hoạt động công đoàn. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh cơ chế biên chế và tuyển dụng cán bộ nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Điều này hết sức cần thiết để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh công đoàn ngày càng xuất hiện như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) nêu thực tế, hiện nay, Bình Dương là một địa phương đứng thứ 53 trong số lượng biên chế thấp nhất của đất nước. Riêng với tổ chức công đoàn, tỉnh có 98 biên chế để quản lý hơn 4.000 công đoàn cơ sở và trên 750.000 đoàn viên công đoàn.
“Với số lượng cán bộ công đoàn được phân bổ như hiện nay thì các cấp không đủ biên chế để bố trí vào các vị trí chức danh, vị trí việc làm theo yêu cầu. Có những nơi chỉ có 3 cán bộ để thực hiện nhiệm vụ” - đại biểu nói và đề nghị nên tạo một cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố phát triển, đặc biệt là vấn đề về nguồn lực, trong đó cần nghiên cứu hợp lý tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương và số lượng biên chế để tạo điều kiện về động lực phát triển tốt nhất cho các địa phương.
Giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, số lượng biên chế được giao của công đoàn ít, trong khi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động liên tục tăng, cơ sở của công đoàn liên tục phát triển nên việc quản lý không bảo đảm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc hợp đồng.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao quyền tự chủ trong quản lý nguồn tài chính của công đoàn theo các quy định của pháp luật. Do vậy, để bảo đảm quản lý, tổ chức hoạt động của công đoàn, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của công đoàn.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) chỉ rõ, khoản 2, Điều 26 Dự thảo Luật quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này chưa rõ trường hợp nào thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trường hợp nào sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và cơ quan có thẩm quyền quyết định là cơ quan nào, do vậy sẽ dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể hơn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, Điều 23, khoản 5 quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách từ nguồn cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động trưởng thành trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định này.
Theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri với công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn cho thấy, mặc dù mong muốn được tuyển dụng cán bộ chuyên trách từ cơ sở, từ phong trào công nhân đã có kinh nghiệm, kĩ năng, tâm huyết với hoạt động công đoàn nhưng chưa có quy định để thực hiện. Vì vậy, qua sửa đổi Luật lần này rất mong muốn được tháo gỡ. “Nhưng nếu chỉ nêu chung chung như vậy sẽ khó triển khai thực tế. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết hoặc là giao cho Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết nội dung này” - đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề xuất./.