Hội thảo là một sáng kiến chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Sáng kiến phát triển (IDI) của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), được tổ chức tại trụ sở chính của ADB tại TP. Mandaluyong. COA cho biết, Hội thảo nhằm mục tiêu “hỗ trợ và củng cố các thực hành kiểm toán hoạt động bền vững” của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI). ADB và INTOSAI hiện đang mở rộng hỗ trợ kỹ thuật cho các SAI của 6 quốc gia gồm Philippines, Nepal, Campuchia, Mông Cổ, Băng-la-đét và Papua New Guinea.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Roland Pondoc - Ủy viên COA, cho biết, Hội thảo “sẽ mang lại lợi ích cho 6 SAI từ châu Á và Thái Bình Dương trong việc nâng cao chất lượng thực hành kiểm toán hoạt động của các SAI”. Trong một tuyên bố, COA cho biết giai đoạn 1 của dự án ADB/IDI được xây dựng để hỗ trợ các SAI tham gia xác định nhu cầu của mình trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động bằng cách sử dụng Công cụ đánh giá tuân thủ (hay còn gọi là iCAT) các Chuẩn mực quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI). Công cụ đánh giá này cũng bao gồm các câu hỏi khám phá liên quan đến các Nguyên tắc cơ bản của ISSAI về Kiểm toán hoạt động.
COA cho biết, giai đoạn 2 của dự án, được thực hiện vào cuối năm nay, sẽ tập trung vào nội dung “Phát triển năng lực tổ chức kiểm toán hoạt động”, bao gồm 6 cấu phần: Danh mục kiểm toán chiến lược và Kế hoạch kiểm toán hàng năm; Rà soát/ điều chỉnh phương pháp tiếp cận kiểm toán hoạt động; Đào tạo chuyên môn cho các kiểm toán viên hoạt động; Kiểm toán thí điểm; Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng kiểm toán hoạt động và Tăng cường hệ thống theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán hoạt động.
Tại Philippines, kiểm toán hoạt động thường được thực hiện đối với các chương trình và dự án cụ thể của các đơn vị thuộc chính quyền cấp trung ương và cấp địa phương. Năm 2022, COA đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đối với Chương trình Pantawid Pamilyang Pilipino (4Ps) của Chính phủ và phát hiện, khoảng 3,82 triệu tương đương 90% trong số 4,26 triệu hộ gia đình hưởng lợi tiếp tục sống dưới ngưỡng hộ nghèo mặc dù đã được Chương trình 4Ps hỗ trợ từ 7 đến 13 năm và nhận được khoản trợ cấp tiền mặt với tổng trị giá 537,39 tỷ peso Philippines (tương đương 9,6 tỷ USD) tính đến ngày 30/6/2021./.