Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH |
Phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách thì đều có kiến nghị gửi các cơ quan liên quan, trong đó có những vấn đề liên quan đến Luật Đấu thầu KTNN đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của Luật, KTNN thấy rằng điểm c khoản 1 Điều 1 Dự thảo quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc “dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị trực thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập…”.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, cần cân nhắc quy định này, vì thực tế nhiều khoản chi thường xuyên có giá trị rất nhỏ; mặt khác, căn cứ tính chất công việc một số nhiệm vụ cấp bách (gói thầu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an ninh quốc gia...) mà vẫn phải thực hiện đấu thầu thì sẽ không thiết thực, gây thêm những ách tắc trong xử lý công việc.
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Điều 19 Dự thảo Luật quy định rất nhiều trường hợp chỉ định thầu. Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trong thực tế kiểm toán cho thấy có không ít trường hợp chia nhỏ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để chỉ định thầu.
“Để giải quyết vấn đề khúc mắc đó, những trường hợp nào được chỉ định thầu cần phải được nêu cụ thể hơn trong Luật và quy định làm sao để ngăn chặn được tình trạng chia nhỏ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để chỉ định thầu” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Liên quan đến trách nhiệm của tổ chức thẩm định, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh chỉ rõ, theo Điều 78, Dự thảo Luật mới quy định về trách nhiệm của tổ chức thẩm định; do đó, đề nghị làm rõ khái niệm tổ chức thẩm định là như thế nào và xem xét về trách nhiệm của cá nhân thẩm định thì có đưa vào Luật không?
Về trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư, đồng tình với quan điểm của nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của nhà thầu đảm bảo trung thực, chính xác trong quá trình tham dự thầu, tránh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
“Nhiều trường hợp có kết quả thầu rồi thì các nhà thầu khiếu kiện, mà có khiếu kiện thì phải xác minh đúng, sai, làm kéo dài thời gian. Kể cả hàng hóa vật tư rất quan trọng như dự trữ quốc gia cũng gặp những trường hợp như vậy” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu thực tế.
Về tình huống xử lý trong hoạt động đấu thầu, tại điểm a khoản 2 Điều 86 quy định thẩm quyền xử lý tình huống đấu thầu là "Đối với lựa chọn nhà thầu, người quyết định xử lý tình huống là chủ đầu tư. Trong trường hợp phức tạp, chủ đầu tư xử lý tình huống khi có ý kiến của người có thẩm quyền".
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, quy định trên đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, nếu chủ đầu tư được quyết định tình huống thì vấn đề nguyên tắc kiểm soát quản lý đặt ra như thế nào? Thứ hai, nếu trường hợp phức tạp mà không quy định rõ thì cũng rất khó thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị cân nhắc, quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo Luật.
“Điểm 2, Điều 91 Dự thảo quy định: "Để đảm bảo tính liên tục của hoạt động đấu thầu qua mạng trong thời gian hoàn chỉnh các chức năng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của luật này, việc đấu thầu qua mạng thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu số 43". Quy định như vậy không xác định được bao lâu mới hoàn thiện được hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, không có một hạn định rõ ràng” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn chứng./.
NGUYỄN HỒNG