Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

(BKTO) - Tại Hội nghị ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Long An mới đây, đại diện các địa phương đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đã nhấn mạnh những nội dung phối hợp quan trọng trong giai đoạn tới.

6-.jpg
Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương đảm bảo phối hợp trên tinh thần chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Ảnh: THANH HẢI

Kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách

Theo báo cáo của KTNN, hơn 10 năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Những chia sẻ, trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm được Quốc hội giao.

Thời gian tới, Thường trực HĐND và UBND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kiểm toán trong công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chia sẻ dữ liệu phù hợp với các quy định hiện hành, giúp việc thực hiện Quy chế đạt hiệu quả cao.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Đại diện các địa phương cũng thống nhất, đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa KTNN và 4 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của KTNN. Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - khẳng định: Thông qua kiểm toán, nhất là kiểm toán chuyên đề về đất đai, đầu tư - xây dựng, tài nguyên khoáng sản, môi trường, KTNN đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, giúp địa phương điều chỉnh, khắc phục để tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Kết quả kiểm toán là cơ sở để địa phương có những định hướng phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - đánh giá: Qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán chuyên đề, KTNN đã góp phần tư vấn, hỗ trợ, giúp địa phương trong công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách và quản lý ngành, lĩnh vực; kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục; rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

KTNN cần quan tâm về thời gian phát hành Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương hằng năm đảm bảo trước Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, giúp HĐND tỉnh xem xét, thông qua quyết toán ngân sách địa phương đồng thời quyết nghị về dự toán, phân bổ ngân sách địa phương năm sau đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật.

Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Đánh giá cao vai trò của KTNN, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: TP. Hồ Chí Minh là địa phương được KTNN kiểm toán thường xuyên từ năm 2003 đến nay với gần 100 báo cáo kết luận kiểm toán ngân sách địa phương hằng năm và các chuyên đề trên nhiều lĩnh vực. Qua kiểm toán, KTNN đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của Thành phố; nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành được phát hiện và khắc phục, qua đó, thu hồi về ngân sách các khoản chi sai, chưa đúng, chưa đủ”. Từ góc độ của HĐND, ông Phạm Thành Kiên - Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh - cho biết thêm: Các đánh giá, kết luận và kiến nghị của KTNN giúp địa phương chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách. Đây là cơ sở quan trọng để HĐND Thành phố xem xét trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau.

Các địa phương kiến nghị gì đối với Kiểm toán nhà nước?

Không chỉ đánh giá cao công tác phối hợp và vai trò của KTNN, đại diện các tỉnh, thành phố còn có những đề xuất, kiến nghị đáng lưu ý. Ông Phạm Thành Kiên và ông Nguyễn Văn Út đề nghị Quy chế phối hợp cần được sơ kết hằng năm và tổ chức luân phiên tại các địa phương. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Út kiến nghị KTNN và HĐND, UBND cần kết nối, duy trì thường xuyên hơn việc trao đổi thông tin.

Tỉnh Long An cũng như các địa phương rất mong nhận được sự chia sẻ từ KTNN qua hoạt động kiểm toán, nhất là trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Ngoài ra, đại diện các địa phương cũng bày tỏ mong muốn, qua kiểm toán, KTNN sẽ có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Ông Dương Văn Thắng cho rằng, chính sách pháp luật vẫn còn những điểm chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, điều hành, do đó, KTNN cần có ý kiến hỗ trợ các địa phương vận dụng phù hợp các quy định.

Ông Phạm Thành Kiên kỳ vọng KTNN khu vực IV sẽ tham gia ý kiến với HĐND TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách của Thành phố trước khi được Thường trực HĐND, UBND đề nghị; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách do Thành phố ban hành nhưng không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời phối hợp với Thường trực HĐND Thành phố kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp với thực tế của TP. Hồ Chí Minh. Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị KTNN thường xuyên rà soát, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Năm 2024, Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét các nội dung cần thiết để gửi KTNN phối hợp lập kế hoạch kiểm toán hằng năm và sẽ sớm phối hợp với KTNN tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về tài chính ngân sách cho đại biểu HĐND Thành phố.

Ông Phạm Thành Kiên - Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả

Giải đáp các kiến nghị của địa phương cũng như để thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong gian đoạn tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: KTNN và 4 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm với tinh thần “gọn nhưng chất lượng”; tăng cường trao đổi thông tin trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán. Đặc biệt, các địa phương cần giám sát chặt chẽ hoạt động của đoàn kiểm toán trên địa bàn, giám sát việc thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Năm 2024, KTNN sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của các đơn vị được kiểm toán; chú trọng thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Liên quan đến các kết luận, kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN sẽ ban hành hướng dẫn các đơn vị trong Ngành đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp đối với những tình huống đặc biệt; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. Một nhiệm vụ mới trong giai đoạn này được Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh là KTNN và các địa phương cần phối hợp trong việc xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về trường hợp tham nhũng. Người đứng đầu KTNN cũng kỳ vọng, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử; đào tạo, nâng cao kiến thức về quản lý tài chính công, sản công cho các cơ quan dân cử; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt pháp luật quản lý tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất định kỳ hằng năm sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp; đồng thời cam kết chỉ đạo các KTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương./.

Cùng chuyên mục
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực