Phòng ngừa rủi ro, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp Fintech

(BKTO) - Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty Fintech được thử nghiệm các giải pháp Fintech mà quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong một môi trường có sự giám sát của cơ quan quản lý...

fintech.jpg
NHNN  khẳng định Fintech là lĩnh vực mới, có tiềm năng nhưng chưa có hành lang pháp lý và còn tiềm ẩn rủi ro.
Ảnh minh họa

Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu hành lang pháp lý

Theo nghiên cứu của Solidiance - một trong những công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2013 lên đến khoảng 176 công ty ở thời điểm cuối năm 2022.  Fintech đang hiện diện trong nhiều mặt đời sống và ngày càng ảnh hưởng rộng hơn, mạnh mẽ hơn đến sự phát triển thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước.

Nghiên cứu của Robocash Group chỉ ra rằng, thị trường fintech Việt Nam có thể đạt giá trị lên đến 18 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp 4 lần so với năm 2016. Ước tính, 93% vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dành cho mảng ví điện tử và thanh toán.

Cũng như nhiều cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và một số cơ quan liên quan đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech cung ứng hoặc tham gia, hợp tác cung ứng dịch vụ, giải pháp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như thanh toán, P2P Lending, chấm điểm tín dụng...

Hiện tại, các mảng, lĩnh vực hoạt động này của các công ty Fintech hầu hết chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó có thể tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng. Hơn nữa, mỗi giải pháp Fintech có hồ sơ rủi ro với mức độ, tần suất rủi ro khác nhau mà thời điểm hiện tai chưa thể quan sát, đánh giá được hết.

Thêm vào đó, xu hướng phát triển đan xen cùng “hợp tác - cạnh tranh” nêu trên đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách, quy định đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hài hòa giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty Fintech với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng.

p2p.jpg
Mô hình hoạt động P2P Lending vẫn còn nhiều bất cập, cần có các quy định pháp luật để quản lý. Ảnh minh họa

Đơn cử, tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Đề xuất một số chính sách quản lý rủi ro

Xu hướng và bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm sau: Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành Cơ chế thử nghiệm sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành. Bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo. Cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, phòng ngừa, hạn chế rủi ro phát sinh. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Đảm bảo tuân thủ các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Theo NHNN, việc xây dựng Dự thảo Nghị định nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Thông qua Nghị định này, Chính phủ tạo ra một cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, cung ứng hoặc hợp tác cung ứng các giải pháp, dịch vụ ngân hàng mới dựa trên ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cho phép các TCTD, công ty Fintech được thử nghiệm các giải pháp Fintech mà quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng trong một môi trường có kiểm soát.

Điểm đáng lưu ý trong Dự thảo Nghị định này là các quy định về quản lý rủi ro. NHNN luôn khẳng định Fintech là lĩnh vực mới, có tiềm năng nhưng cũng là lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý và có thể tiềm ẩn các rủi ro.

Theo đó, NHNN đã đề xuất một số chính sách quản lý rủi ro thông qua việc quy định về trách nhiệm của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm trong xây dựng khung quản lý rủi ro đầy đủ, bảo vệ người sử dụng dịch vụ; trách nhiệm thông tin, báo cáo của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước (trong đó có Bộ Công an) trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, đánh giá Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm; theo dõi; quyết định việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm; kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, vận hành Cơ chế thử nghiệm...

Các quy định này nhằm đảm bảo quá trình thử nghiệm các giải pháp Fintech luôn được các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ và các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro phát sinh (nếu có)./.

Cùng chuyên mục
Phòng ngừa rủi ro, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp Fintech