Phú Thọ: “Điểm sáng” đầu tư công có đóng góp của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao trong vùng cũng như cả nước. Ngoài sự nỗ lực của địa phương, kết quả đạt được này còn có đóng góp tích cực của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Phạm Quang Minh đã chia sẻ điều này với phóng viên Báo Kiểm toán.

dsc_6337.jpg
Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương nhận thấy rõ hơn những thiếu sót, bất cập và nguy cơ rủi ro để kịp thời phòng ngừa, cũng như chấn chỉnh. Ảnh: Nguyễn Lộc

Thưa ông! Phú Thọ là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Từ góc độ cơ quan giúp tỉnh quản lý lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương để đạt được kết quả như vừa qua?

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với những đổi mới trong các khâu, từng bộ phận.

Tổng giá trị giải ngân đầu tư công của tỉnh Phú Thọ đến hết tháng 7/2023 đạt 1.957 tỷ đồng, bằng 48,9% kế hoạch (4.277 tỷ đồng); trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 49,3%, vốn ngân sách địa phương đạt 48,6% kế hoạch. Đây là kết quả rất nổi bật thể hiện cách thức tiếp cận, sự ưu tiên tranh thủ nguồn lực để phát huy hiệu quả đầu tư; đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của cả nước.

Thứ nhất, kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Phú Thọ đã được tập trung triển khai từ sớm. Ngay sau khi có dự kiến thông báo vốn, tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn, phân bổ đảm bảo ưu tiên cho các dự án trọng điểm, đường liên vùng, triển khai rất đúng và trúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Thứ hai, ngay sau khi được thông báo vốn chính thức (kế hoạch đầu tư công trung hạn sau điều chỉnh, bổ sung 21.958 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 9.508 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12.450 tỷ đồng), HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tiến độ chi tiết, mốc thời gian cụ thể đối với từng dự án. Do đó, các dự án được triển khai rất nhanh, các địa phương vào cuộc rất tích cực.

Thứ ba, các gói thầu được xây dựng tập trung, không phân chia thành nhiều gói thầu nhỏ, lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án. Đồng thời, tỉnh đã tranh thủ được nguồn vốn ngân sách tỉnh để bố trí tăng tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 1.690 tỷ đồng để bổ sung cho các dự án.

Thứ tư, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công để phối hợp với các sở, ngành rà soát, theo dõi đôn đốc từng tuần, từng tháng; đề xuất xử lý những vướng mắc cũng như đề ra các mốc tiến độ còn lại của các dự án. Nhờ đó, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân được nâng cao. 

Vậy theo ông, hoạt động kiểm toán của KTNN có ý nghĩa như thế nào đối với địa phương trong công tác quản lý, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thời gian qua?

Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương nhận rõ hơn những thiếu sót, bất cập và nguy cơ rủi ro để địa phương kịp thời phòng ngừa, cũng như chấn chỉnh. Xác định vai trò quan trọng của các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, điển hình là trong lĩnh vực đầu tư công.

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư công; từ đó góp phần triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, công tác lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án, thiết kế - dự toán được thực hiện đảm bảo các quy định hiện hành. Địa phương cũng chấn chỉnh công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

dsc_6300.jpg

         Thông qua việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Một số bất cập, thiếu sót đã được sửa chữa kịp thời, đặc biệt trong tổ chức thực hiện của các chủ đầu tư, chủ dự án để đảm bảo tiến hành thi công dự án và tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Phạm Quang Minh

Những bất cập trong công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng được KTNN chỉ ra đã được chấn chỉnh, khắc phục. Địa phương cho phép nhà thầu có thể phát huy tính chủ động theo đúng quy định, từ đó giúp làm tăng năng suất, hiệu quả thi công…

Trong công tác thực hiện dự án, tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng một số chủ đầu tư chưa tuân thủ quy định về điều kiện khởi công công trình, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án.

Từ sau khi có kiến nghị kiểm toán, công tác quản lý chất lượng công trình cũng có nhiều chuyển biến tích cực, địa phương đã chú trọng tổ chức lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình; lập hồ sơ quản lý chất lượng... 

Có thể nói, từ các kiến nghị kiểm toán, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục hạn chế của các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư để ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Ông có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương?

Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các đơn vị của KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) của tỉnh Phú Thọ từ khâu xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm toán.

KTNN, đặc biệt là KTNN khu vực VII nghiên cứu và hướng dẫn địa phương trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để địa phương, đặc biệt là đơn vị được kiểm toán nắm rõ và thực hiện thông suốt.

Qua công tác rà soát, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán vừa qua, KTNN xem xét phối hợp đề xuất cơ chế cho phép tỉnh xử lý một số nội dung vướng mắc, tồn đọng kéo dài đã được KTNN kiến nghị trước đây (có tình trạng chủ đầu tư không liên lạc được với nhà thầu, nhà thầu phá sản... dẫn đến không thể thanh toán được phải chuyển nguồn, chuyển nhiệm vụ chi).

KTNN cần xem xét tăng cường kiểm toán từ giai đoạn dự án đầu tư đang triển khai để kịp thời phát hiện, giúp địa phương điều chỉnh sớm, trước khi nghiệm thu, thanh quyết toán cho dự án. Thực hiện được điều này cũng chính là giải pháp để hạn chế tối đa các kiến nghị kiểm toán bị "treo", chậm thực hiện do thời điểm KTNN vào kiểm toán thì dự án đã thanh quyết toán và các nhà thầu đã rời đi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Phú Thọ: “Điểm sáng” đầu tư công có đóng góp của Kiểm toán nhà nước