Phục hồi và phát triển du lịch: Tạo “đòn bẩy” từ chính sách thị thực

(BKTO) - Mặc dù kiềm chế tốt dịch Covid-19 và mở cửa thị trường du lịch sớm, nhưng Việt Nam không đạt được mục tiêu thu hút khách quốc tế. Đề cập đến vấn đề này tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm có giải pháp để giải quyết những thách thức nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, việc xóa bỏ rào cản từ chính sách thị thực (visa) được coi là “đòn bẩy” để tạo sự đột phá trong vấn đề này.

e05a31bce4cf35916cde.jpg
Tạo “đòn bẩy” từ chính sách thị thực để thu hút khách quốc tế. Ảnh minh họa

Mở cửa sớm, phục hồi chậm

Du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3/2022 trong niềm vui của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân tham gia vào hoạt động du lịch. Đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa bước ngoặt, giúp phục hồi kinh tế - xã hội, đặc biệt là với ngành kinh tế mang lại giá trị đóng góp cao như du lịch.

Tuy nhiên, so với sự chuẩn bị và những kỳ vọng đặt ra, kết quả đóng góp của ngành du lịch, đặc biệt là từ nguồn khách quốc tế không đạt mục tiêu đề ra. PGS,TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) dẫn chứng, năm 2022, nước ta đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế nhưng kết quả chỉ đạt khoảng 3,6 triệu lượt khách. Cùng năm đó, 2 nước láng giềng là Thái Lan đạt 11 triệu lượt khách, Malaysia đạt 9,2 triệu lượt khách, dù mở cửa thị trường muộn hơn Việt Nam. “Qua những con số thống kê cho thấy, đà phục hồi của du lịch Việt rất chậm” - ông Thành cho biết, đồng thời cảnh báo nguy cơ Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu đón khách quốc tế năm nay, nếu những rào cản không sớm được tháo gỡ.

Ngoài những nguyên nhân như: Tình hình thế giới có nhiều biến động; các điểm đến du lịch còn thiếu liên kết, sản phẩm du lịch chưa thực sự độc đáo, một vấn đề quan trọng được chỉ ra khiến du lịch Việt Nam “đi trước về chậm” trong hút khách quốc tế, đó là những rào cản của chính sách visa và lưu trú hiện nay. Đây cũng chính là vấn đề làm “nóng” nhiều phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vấn đề visa và tác động đến ngành du lịch đã được nhiều đại biểu quan tâm đề cập.

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình), quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch vẫn còn chậm so với các quốc gia trong khu vực. Một trong những nguyên nhân đáng chú ý dẫn đến kết quả này là vấn đề visa chậm được tháo gỡ, thủ tục xuất - nhập cảnh còn phức tạp. Có chung quan điểm, khi đóng góp ý kiến đối với các dự án luật về xuất, nhập cảnh, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, chính sách visa đang khiến cho Việt Nam “mất điểm” trước du khách quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh của du lịch Việt với các thị trường trong khu vực, dù Việt Nam có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế.

“Cú hích” để phục hồi, phát triển du lịch

Hướng đến phục hồi, phát triển ngành kinh tế xanh, các ý kiến cho rằng, ngoài việc giải quyết những vấn đề nội tại của ngành du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, cần tạo thuận lợi trong chính sách visa để tạo “cú hích” nhằm thu hút du khách đến với Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Chính sách visa là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới miễn visa cho 24 quốc gia; thời gian lưu trú ngắn (khoảng 15 ngày). Trong khi Thái Lan miễn visa cho du khách đến từ 64 quốc gia; Philippines là 157 quốc gia; Singapore và Malaysia miễn cho hơn 160 quốc gia; phần lớn các quốc gia đều quy định thời hạn lưu trú từ 30 ngày trở lên. “Vấn đề visa thực sự đang là rào cản, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành kinh tế xanh nước ta” - ông Bình nhận định; đồng thời cho rằng nới lỏng visa là xu thế và Việt Nam cần mở rộng danh sách miễn visa, cũng như tăng thời gian lưu trú.

Đánh giá của các chuyên gia cũng tương tự nhận định của Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Sách Trắng 2023. Theo EuroCham, sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang nghiên cứu mở rộng phạm vi miễn visa. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ. “Cần mở rộng số quốc gia được miễn visa hơn nữa để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và hoàn thành vai trò là ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam”, đồng thời “cấp visa du lịch 3 tháng cho khách từ châu Âu, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ mùa đông của châu Âu, sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao” - EuroCham kiến nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP. Cần Thơ), tháo gỡ thủ tục về visa là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam có thể phát triển. Trong khi đó, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp visa điện tử ngày càng tăng. Tuy nhiên, thời hạn visa điện tử ngắn, thủ tục còn rườm rà nên chưa thu hút được du khách. Việc Chính phủ đề nghị nâng thời hạn visa điện tử (lên không quá 3 tháng); nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa (từ 15 ngày lên 45 ngày) nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của du khách, đồng thời tạo thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, xúc tiến đầu tư... là rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, đây được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho du lịch Việt Nam tăng tốc trong thời gian tới./.

Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính chính sách visa nhập cảnh thông thoáng có thể làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến từ 5-25% mỗi năm. Việt Nam đã chứng kiến điều này khi miễn visa nhập cảnh cho 5 nước Tây Âu. Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch đã đề xuất bổ sung thêm 33 quốc gia được miễn visa; đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày.

Cùng chuyên mục
  • Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2022, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra trong các phiên thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, với mong muốn có những giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn để bảo đảm quyền lợi an sinh của người dân.
  • Triển lãm tranh cổ động về thi đua ái quốc
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) – Hướng đến Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với một số địa phương tổ chức Triển lãm tranh cổ động toàn quốc tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.
  • Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lao động xuất khẩu bị lừa bởi các công ty “ma”
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị lừa chủ yếu qua các công ty “ma”, công ty không được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
  • Đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung khi trả lời chất vấn về vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thu BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể không đúng quy định…
  • Triển lãm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ đang tổ chức trưng bày triển lãm “75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2023)”, tại hành lang Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Phục hồi và phát triển du lịch: Tạo “đòn bẩy” từ chính sách thị thực