Phương pháp, thủ tục kiểm toán thu nhập, chi phí tại các ngân hàng

(BKTO) - Thu nhập và chi phí phản ánh tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM). Do đó, việc kiểm toán nội dung này là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính tin cậy trong báo cáo tài chính (BCTC) của các tổ chức tài chính ngân hàng.

sdgre.png
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Các rủi ro thường gặp khi kiểm toán

Theo nghiên cứu của CN. Tôn Cao Cầm và CN. Hồ Tú Lân (KTNN chuyên ngành VII), các NHTM xây dựng đầy đủ quy trình kiểm soát nội bộ thu nhập, chi phí. Tuy nhiên, hiệu lực quy trình quản trị chưa cao do tiềm ẩn nhiều rủi ro về: Đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ các quy chế quản lý, kiểm soát trong các hoạt động của đơn vị, việc kiểm soát đối với hệ thống công nghệ thông tin.

Khi kiểm toán thu nhập, chi phí tại hội sở chính NHTM, đoàn kiểm toán phát hiện tình trạng cán bộ theo dõi thu nhập chi phí hiểu sai quy định pháp luật, dẫn đến hạch toán sai thu nhập, chi phí. Việc giám sát số liệu còn lỏng lẻo, các văn bản nội bộ ban hành chưa đảm bảo giám sát chặt chẽ khiến việc theo dõi, quản lý thu nhập chi phí còn sai sót.

Đặc biệt, các kiểm soát đối với hệ thống công nghệ thông tin (kiểm soát chung và kiểm soát chương trình ứng dụng) tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hại như: Chưa có đủ chốt kiểm soát công nghệ thông tin trước khi đưa lên hệ thống để phân loại nợ làm ảnh hưởng tới việc trích lập chi phí dự phòng; nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ phần lớn là kiểm soát bán tự động nên chứa đựng rủi ro về tính chính xác dữ liệu hệ thống.

Do số lượng nghiệp vụ lớn, hệ thống kiểm soát công nghệ thông tin chưa đi sâu vào các ứng dụng nên nhiều nghiệp vụ liên quan đến tạo lập cơ sở dữ liệu doanh thu, chi phí, lợi nhuận, phân loại nợ, dự phòng rủi ro… đều tiềm ẩn rủi ro về sai sót số liệu BCTC. Một số NHTM phân quyền kiểm soát các dữ liệu đầu vào, thay đổi các tham số khoản vay cho chi nhánh, đối chiếu, rà soát dữ liệu bằng cách thủ công nên không đảm bảo việc phát hiện, ngăn ngừa và xử lý rủi ro.

Đối với các rủi ro cụ thể về thu nhập chi phí tại chi nhánh NHTM, Nhóm tác giả nhận thấy, nhiều chi nhánh chưa phân bổ phí bảo lãnh L/C theo đúng niên độ kế toán, dẫn tới hạch toán thu nhập không chính xác, hạch toán thiếu lãi phải thu, hạch toán lãi dự thu của các khách hàng đã cơ cấu nợ, phân loại nợ không chính xác dẫn đến hạch toán thu nhập lãi không chính xác. Nhiều chi nhánh NHTM không hạch toán chính xác các khoản thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng L/C do không kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp.

Ngoài ra, một số chi nhánh NHTM hạch toán lãi dự thu và dự chi chưa thống nhất, không phù hợp với nguyên tắc kế toán khi ghi nhận doanh thu và chi phí. Đối với rủi ro trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng, nhiều trường hợp phân loại nợ và trích lập dự phòng chưa phù hợp, phân loại nhóm nợ không đúng, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không đúng với quy định. Các thông tin trên hệ thống ngân hàng không được cập nhật dẫn đến tính sai dự phòng chung, dự phòng riêng.

Các phương pháp và thủ tục kiểm toán cần thiết

Khi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ tại NHTM, Nhóm tác giả cho rằng, các kiểm toán viên (KTV) cần phỏng vấn trực tiếp cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi hạch toán thu nhập chi phí để đánh giá trình độ, khả năng hiểu biết của họ về các văn bản liên quan đến cơ chế giám sát tài chính, thu nhập, chi phí, từ đó đánh giá rủi ro liên quan đến thực hiện nhiệm vụ theo dõi hạch toán thu nhập chi phí.

Đối với rủi ro về hệ thống công nghệ thông tin, KTV cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề quản lý các tham số, phân quyền và gửi các báo cáo nội bộ; quản lý tài sản bảo đảm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro; quản lý xếp hạng tín dụng để trích lập dự phòng rủi ro.

Còn với rủi ro về tổng hợp số liệu thu nhập, chi phí toàn hệ thống, KTV yêu cầu NHTM cung cấp báo cáo quyết toán toàn hệ thống, kiểm tra số liệu tổng hợp thu nhập chi phí toàn hệ thống. Đồng thời, KTV chọn mẫu kiểm tra chi tiết một số khoản thu nhập chi phí thông qua việc kiểm tra chứng từ, nếu có sai sót thì NHTM phải giải trình lý do.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán thu nhập, chi phí tại BCTC của các NHTM, KTV cần chú trọng công tác khảo sát ngay từ đầu để đánh giá mức độ trọng yếu, từ đó lập kế hoạch kiểm toán chi tiết, xác định khoản mục thu nhập, chi phí nào có rủi ro cao để tập trung kiểm toán.

Đối với rủi ro về phân bổ thu nhập, KTV phải kiểm tra số liệu tổng hợp về phân bổ thu nhập trên báo cáo quyết toán năm, đồng thời yêu cầu đơn vị cung cấp báo cáo về bảo lãnh thư tín dụng L/C, trong đó phản ánh thu nhập từ bảo lãnh thư tín dụng L/C. Còn với lãi và phí phải thu, KTV cần kiểm tra việc phân loại nợ tại chi nhánh NHTM, từ đó phân tích kỹ khoản nợ, phân nhóm và đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ.

Liên quan đến rủi ro về hạch toán chi phí khi chứng từ chưa đảm bảo tính hợp lệ, hợp lý, KTV cần kiểm tra, đối chiếu các khoản chi phí này với số tổng hợp trên báo cáo quyết toán năm. KTV cũng phải chọn mẫu chứng từ để kiểm tra và để chọn mẫu đảm bảo tính trọng yếu rủi ro, KTV cần chọn những khoản chi lớn, nội dung chi dễ xảy ra sai sót. Khi đối chiếu nội dung chi so với các quy định của Nhà nước, nếu có trường hợp chi sai thì KTV yêu cầu đơn vị giải trình, trường hợp giải trình không hợp lý, KTV phải kiến nghị thu hồi và điều chỉnh giảm chi phí.

Liên quan đến nội dung trích khấu hao tài sản cố định, KTV cần kiểm tra hồ sơ, thủ tục; hạch toán tăng, giảm tài sản cố định; theo dõi, quản lý tài sản cố định, trích khấu hao; thanh lý tài sản cố định theo quy định.

Cùng với đó, KTV cần làm rõ nguyên nhân những trường hợp quản lý tài sản cố định thiếu chặt chẽ; tài sản cố định để ngoài sổ kế toán, không trích khấu hao hoặc trích không đúng tỷ lệ quy định, trích khấu hao đối với tài sản cố định không thuộc loại phải khấu hao, hoặc tài sản cố định đã hết thời gian sử dụng.../.

Cùng chuyên mục
Phương pháp, thủ tục kiểm toán thu nhập, chi phí tại các ngân hàng