PVFCCo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cầu tiêu thụ giảm

(BKTO) - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình không còn thuận lợi như năm 2022.

phan-bon-2.jpg
Ure là mặt hàng chủ lực của PVFCCo. Ảnh: PVN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường phân bón cạnh tranh cao và biến động khó lường. Giá bán phân bón có xu hướng giảm nhanh, duy trì ở mức thấp. Nhu cầu phân bón nội địa giảm, tiêu thụ khó khăn.

Chính sách tài chính thắt chặt, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm, lượng hàng tồn kho cao. Giá khí đầu vào cao hơn kế hoạch... Tất cả đã tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, PVFCCo đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, đặc biệt là biến động giá dầu, giá khí và giá phân bón để có các giải pháp quản trị, điều hành linh hoạt, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình hành động, kế hoạch công tác.

Nhờ vậy, những kết quả đạt được rất khả quan. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất và kinh doanh mặt hàng chủ lực của PVFCCo là urê đã vượt kế hoạch.

Mặc dù Nhà máy Đạm Phú Mỹ có thời điểm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể, nhưng sản lượng sản xuất urê vẫn đạt 107% và lượng urê Phú Mỹ kinh doanh đạt 114%.

Tuy đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong mọi mặt sản xuất kinh doanh, nhưng do giá nguyên nhiên liệu tăng cao, giá phân bón giảm mạnh, nhu cầu thị trường giảm... nên một số chỉ tiêu của doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Nhu cầu tiêu thụ thấp tại hầu hết các khu vực, giá liên tục đi xuống khiến doanh nghiệp phải tích cực thực hiện các biện pháp để giảm thiểu những tác động bất lợi từ thị trường.

Một mặt, PVFCCo bám sát thông tin dự báo, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp, mặt khác luôn tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu urê nhằm giảm áp lực cho thị trường nội địa, triển khai nhanh chóng các phương án kinh doanh để giảm tồn kho nhanh nhất.

Đồng thời, PVFCCo cũng đánh giá lại giá cả sản phẩm cho phù hợp với thị trường và tăng sức cạnh tranh với các đối thủ, tăng cường chiến lược marketing, phát triển kênh bán hàng online mới để mở rộng đối tượng khách hàng và quy mô kinh doanh, giúp tăng doanh số bán hàng, giảm tồn kho…

Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, những khó khăn tương tự những tháng vừa qua sẽ tiếp tục là thách thức đối với việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 của doanh nghiệp, đặc biệt là các chỉ tiêu tài chính.

Những khó khăn từ địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như khó khăn ở trong nước sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phân bón, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn theo dõi sát sao, đánh giá, dự báo để điều hành linh hoạt, hiệu quả mọi mặt sản xuất kinh doanh.

Giá phân bón trên thị trường thế giới những tháng cuối năm được dự báo tiếp tục biến động khó lường, nguồn cung phân bón thế giới dự kiến tăng, nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp phân bón trong nước không thuận lợi như trước.

Thị trường trong nước cạnh tranh khốc liệt trong thời điểm cung vượt cầu. Giá phân bón giảm giúp nông dân giảm bớt khó khăn, nhưng gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp phân bón, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, tồn kho cao.

PVFCCo thực hiện ngay và quyết liệt các chương trình hỗ trợ bán hàng với mục tiêu phấn đấu lượng phân bón tiêu thụ nội địa vượt 10-20% so với kế hoạch năm 2023; tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu urê để giảm áp lực tiêu thụ trên thị trường nội địa; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào hoạt động kinh doanh...

Song song với đó, PVFCCo và các doanh nghiệp phân bón đã kiến nghị với Quốc hội về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế Giá trị gia tăng với thuế suất 0% để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng chuyên mục
PVFCCo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cầu tiêu thụ giảm