PVN chia sẻ kinh nghiệm giải quyết khó khăn, thách thức khi thực hiện dự án theo hình thức EPC

(BKTO) - Trong tham luận gửi tới Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức Hợp đồng EPC” do Kiểm toán nhà nước tổ chức, ngày 02/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp để giải quyết các khó khăn, thách thức khi thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

dc.jpg
Nhà máy xử lý khí Dinh Cố - một trong số các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Ảnh: PVN

Với việc triển khai nhiều dự án như Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn, Kho lạnh LPG Thị Vải; Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; các Nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau; các Nhà máy điện khí Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2; các Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2 và Long Phú 2…, PVN gần như đi tiên phong trong việc triển khai dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

Về thu xếp vốn, PVN đã đa dạng hoá việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và từ các nguồn lực xã hội cho các dự án nguồn điện; tận dụng tối đa nguồn vốn tín dụng xuất khẩu (ECA).

Vì thế, một trong những điều kiện tiên quyết khi PVN lựa chọn tổng thầu hoặc nhà cung cấp thiết bị là tổng thầu/nhà cung cấp thiết bị phải có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn ECA tối thiểu bằng 85% giá trị thiết bị nhập khẩu.

Giải pháp này đã được áp dụng thành công tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2.

Trong công tác quản lý điều hành, cần xây dựng đội ngũ Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm; phân cấp tối đa cho Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan trong công tác đầu tư xây dựng các dự án nhằm đảm bảo tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo PVN thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Định kỳ và hàng tháng, lãnh đạo PVN tổ chức giao ban tại công trường.

Để thực hiện thành công hợp đồng EPC nhà máy chính nói riêng cũng như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện nói chung, theo kinh nghiệm của PVN, cần thực hiện tốt, tổng thể và đồng bộ các nhiệm vụ từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và triển khai thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và áp dụng các quy định pháp luật, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền có liên quan tới việc đầu tư triển khai dự án (quy định về quản lý đầu tư dự án, đấu thầu, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, môi trường, thực hiện các công tác, báo cáo chuyên ngành...).

Về khảo sát xây dựng, cần tuân thủ nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Đối với các khu vực quan trọng, chịu tải trọng lớn của công trình và các khu vực có điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, cần xem xét bổ sung mật độ, khối lượng, khảo sát đặc thù, đảm bảo đầy đủ thông tin phục vụ thiết kế.

Trong quá trình lập thiết kế kỹ thuật, để phù hợp với thực tế triển khai tại Việt Nam, đảm bảo đủ khối lượng dự toán phần xây dựng, cần phối hợp chặt chẽ với Tư vấn quản lý dự án của chủ đầu tư, tham khảo thiết kế xây dựng của các dự án đã và đang thực hiện có quy mô, công nghệ tương tự nhằm thiết kế đủ, đảm bảo chất lượng, khối lượng các hạng mục công trình xây dựng.

Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc áp dụng định mức, đơn giá đảm bảo lập tổng mức đầu tư, tổng dự toán và dự toán công việc đúng, đủ theo quy định pháp luật.

Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, cần đảm bảo nhà thầu được chọn phải có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án, đây là điều hết sức quan trọng cho nên phải lập tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm, tiêu chí đánh giá về kỹ thuật hợp lý, tuân thủ các quy định pháp luật, tránh chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm.

Một kinh nghiệm nữa được PVN chia sẻ là đối với các thiết bị công nghệ có tính độc quyền cao, trong khi chào thầu mua sắm thiết bị, chủ đầu tư nên yêu cầu nhà thầu chào thêm gói thầu bảo dưỡng dài hạn để đánh giá, đồng thời nhằm tối ưu hoá chi phí đầu tư và chi phí vận hành nhà máy trong cả đời dự án.

Khi xem xét ký kết hợp đồng EPC cần cân nhắc những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn nếu xảy ra trong quá trình xây dựng thì giá thấp nhất sẽ không phải là yếu tố tiên quyết để chọn nhà thầu.

Hợp đồng EPC khá phức tạp về vấn đề pháp lý, do đó chủ đầu tư và nhà thầu EPC phải có đủ kinh nghiệm và kiến thức, tránh mắc lỗi và giảm thiểu những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Việc hoàn thành gói thầu EPC đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng tiến độ quy định trong hợp đồng và không phát sinh tranh chấp sau khi hoàn thành giữa chủ đầu tư/tổng thầu và các bên liên quan sẽ là yếu tố quyết định thành công của dự án...

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Cùng chuyên mục
PVN chia sẻ kinh nghiệm giải quyết khó khăn, thách thức khi thực hiện dự án theo hình thức EPC