Quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập: Thông lệ quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam

(BKTO) - Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý thị trường kiểm toán ngày càng mang tính toàn cầu. Vì vậy, việc thiết lập một hệ thống giám sát kiểm toán độc lập (KTĐL) chặt chẽ sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán, làm tăng độ tin cậy vào báo cáo tài chính cũng như thị trường vốn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

8.jpg
Các diễn giả tại Tọa đàm. Ảnh: THÙY LÊ

Giám sát hoạt động kiểm toán độc lập - lợi ích và thách thức

Tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập”, ông Carl Peter George Renner - Giám đốc điều hành Diễn đàn quốc tế Các cơ quan kiểm toán độc lập (IFIAR) - cho rằng, việc thiết lập hệ thống giám sát và quản lý hoạt động KTĐL vì lợi ích công chúng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại mỗi quốc gia ngày càng được quốc tế quan tâm. Thực tế cho thấy, một chế độ kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ giúp duy trì các cuộc kiểm toán chất lượng cao, đảm bảo hoạt động kiểm toán phục vụ lợi ích công chúng và nâng cao các tiêu chuẩn chung của ngành kiểm toán. Đồng thời, những thông tin được công bố kịp thời cũng giúp các công ty và nhà đầu tư duy trì niềm tin vào công việc của kiểm toán viên, từ đó củng cố danh tiếng và thương hiệu của các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT).

Theo đại diện IFIAR, các cơ quan quản lý, giám sát KTĐL có 4 nhóm chức năng chính, bao gồm: Kiểm tra, giám sát (lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, chịu trách nhiệm về các biện pháp quản lý); lập pháp (quyền lập pháp có thể thuộc về cơ quan quản lý kiểm toán, cơ quan quản lý thị trường vốn hoặc có sự phối hợp giữa hai cơ quan này); hành pháp (điều tra về sai phạm có thể xảy ra của kiểm toán viên, DNKT, tìm ra những kẽ hở trong luật, đảm bảo việc thực thi các quy định của quốc gia và thông lệ quốc tế); các nhiệm vụ khác như soạn thảo chuẩn mực, đào tạo chuyên gia kiểm toán, tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề. Tùy vào quy định của mỗi quốc gia, vai trò lập pháp có sự thay đổi, tuy nhiên, các nhiệm vụ còn lại đều tương đối giống nhau.

Ở Việt Nam hiện nay, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán (QLGSKTKT) - cho biết: Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động KTĐL. Đơn vị thực hiện kiểm tra, giám sát KTĐL gồm: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN) và Cục QLGSKTKT. Hiện nay, Ủy ban CKNN đang kiểm tra định kỳ ít nhất 3 năm đối với DNKT cho đơn vị có lợi ích công chúng (PIE) thuộc lĩnh vực chứng khoán, còn Cục QLGSKTKT kiểm tra định kỳ ít nhất 4 năm đối với DNKT PIE khác và 5 năm đối với các DNKT còn lại. DNKT có chất lượng xếp loại 3 “Không đạt yêu cầu” hoặc xếp loại 4 “Yếu kém, có sai sót nghiêm trọng” được kiểm tra lại ngay từ 1 đến 2 năm sau đó. Ngoài ra, DN có dấu hiệu sai phạm về kết quả kiểm toán hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan sẽ được tiến hành kiểm tra đột xuất.

“Có thể thấy, Ủy ban CKNN và Cục QLGSKTKT đang phải thực hiện một khối lượng công việc lớn. Hằng năm, Bộ Tài chính đều tổ chức các đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, nhưng việc kiểm tra chỉ có thể thực hiện trên một số DN. Ngay cả việc tổ chức định kỳ kiểm tra 3 năm một lần với một DNKT theo quy định cũng rất khó do bộ máy nhân sự của cơ quan quản lý rất mỏng, không thể vừa quản lý, giám sát vừa soạn thảo chính sách, chế độ, chuẩn mực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán” - bà Nhung chia sẻ.

Đảm bảo tính độc lập của cơ quan kiểm tra, giám sát

Chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam quản lý, giám sát hoạt động KTĐL hiệu quả, ông Carl Peter George Renner cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cơ quan giám sát và các cán bộ tham gia hoạt động giám sát phải duy trì tính độc lập; tiếp theo là cần có các quy định rõ ràng về quyền hạn của cơ quan giám sát. Việt Nam đã bắt đầu làm được điều này nhưng sẽ cần phải cải thiện thêm nữa. Đồng thời, một cơ chế phù hợp sẽ giúp cơ quan giám sát đảm bảo tính độc lập cao.

Ông Alex Ooi Thiam Poh - Giám đốc điều hành của Ủy ban Giám sát kiểm toán tại Malaysia (AOB) - cũng khuyến nghị, Việt Nam nên tăng cường tính độc lập của cơ quan kiểm tra và các thành viên trong đoàn kiểm tra không phải là người thuộc DNKT để đảm bảo tính độc lập của các kết luận.

Còn theo ông Jon Hooper - Giám đốc Ban chuyên môn Dự án Phát triển quốc tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), việc đánh giá chất lượng KTĐL nên được giao cho một cơ quan riêng biệt chuyên thực hiện kiểm tra các cuộc kiểm toán tại đơn vị có lợi ích công chúng. Cơ quan này có thể là một Bộ của Chính phủ, cơ quan quản lý chứng khoán hoặc các cơ quan độc lập thuộc Bộ. Phần còn lại là kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán tại đơn vị không có lợi ích công chúng nên được giao cho một tổ chức nghề nghiệp.

Việc lựa chọn hồ sơ kiểm toán để đánh giá, kiểm tra dựa trên rủi ro với chu kỳ 3 năm đối với DNKT đơn vị có lợi ích công chúng và 6 năm đối với những DNKT còn lại. Cách thức kiểm tra được triển khai bao gồm: Kiểm tra toàn bộ DNKT và soát xét hồ sơ kiểm toán; thực hiện chế độ xếp hạng (chấm điểm); phát hành báo cáo đánh giá với nội dung tập trung vào các kiến nghị để cải tiến chất lượng và kế hoạch kiểm toán. Với các DNKT vi phạm nghiêm trọng, biện pháp xử lý có thể bao gồm cả phạt tiền và thu hồi đăng ký hoạt động kiểm toán./.

Bên cạnh vai trò giám sát của cơ quan quản lý, DN cũng phải nâng cao trách nhiệm đối với việc lập báo cáo tài chính. Ủy ban Kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị của DN có trách nhiệm giám sát Ban điều hành trong quá trình lập báo cáo tài chính cũng như đề xuất lựa chọn công ty kiểm toán và giám sát tính độc lập của kiểm toán viên khi kiểm toán báo cáo tài chính.

Cùng chuyên mục
Quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập: Thông lệ quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam