Rủi ro không tuân thủ quy định về môi trường và vai trò của kiểm toán nội bộ

(BKTO) - Nhận thức và yêu cầu của khách hàng, nhà đầu tư về phát triển bền vững đang cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thay vì nỗ lực hành động, nhiều doanh nghiệp (DN) lại cố tình đánh lừa các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và công chúng về tác động của các sản phẩm và dịch vụ của họ đối với môi trường. Để giảm thiểu tối đa rủi ro về môi trường cho DN, kiểm toán viên nội bộ cần phải làm gì?

5.png
17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Ảnh minh họa

Vẫn còn khoảng cách từ nhận thức đến hành động

Theo Gartner - Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, dịch bệnh lây lan và biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến toàn cầu. Vì vậy, các chính phủ đặt kỳ vọng cao đối với DN trong việc đưa ra chiến lược và hành động tích cực, rõ ràng để tiến tới một thế giới không có carbon. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhân viên và giới truyền thông sẽ tập trung vào những gì các DN đang nói và đang làm xem DN có hành động đủ nhanh, chính xác, hiệu quả đúng như những báo cáo công khai của họ.

Phần lớn các DN hiện nay công khai kết quả hoạt động và kế hoạch của mình về môi trường. Họ cũng sẵn sàng đăng ký các giao ước và cam kết theo mục tiêu, chỉ tiêu và tiến trình nhất định. Điều này có thể xuất phát từ nhận thức đúng đắn của DN về những việc cần làm - phải làm đối với môi trường và xã hội, đồng thời đây cũng là một lợi thế cạnh tranh cho DN.

Tuy nhiên, DN chỉ được đánh giá là trung thực khi có cam kết thực sự, đầu tư nguồn lực và quy trình quản lý dự án để đạt được những mục tiêu về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cũng như đảm bảo rằng các mục tiêu nêu ra phù hợp với chiến lược phát triển của DN. Ngược lại, DN sẽ phải đối mặt với những rủi ro lựa chọn mục tiêu không phù hợp với chiến lược của công ty, nguồn lực không đủ cho các hoạt động và nhiều mục tiêu sẽ bị bỏ lỡ. Thậm chí, nhiều DN chỉ tuyên bố một cách đối phó để xoa dịu dư luận và thu hút nhà đầu tư.

Trong trường hợp gian lận, trước khi bị các cơ quan quản lý nhắc đến, DN đã ngay lập tức phải đối mặt với những bình luận chỉ trích trên mạng xã hội, suy giảm uy tín, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư. Ngoài ra, việc hướng tới carbon trung tính (các nhiên liệu dựa trên carbon mà khi đốt cháy sẽ không làm tăng lượng khí carbon dioxide trong khí quyển) hoặc carbon âm (loại bỏ khí thải nhiều hơn cả lượng khí thải được thải ra) có thể mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho DN, nhưng nếu không có chiến lược, quản trị, quản lý và báo cáo phù hợp, DN sẽ bỏ lỡ cơ hội và mất niềm tin với nhà đầu tư, thậm chí tham vọng vượt quá khả năng gây tác dụng ngược.

Kiểm toán nội bộ nên đóng vai trò gì?

Để giảm thiểu tối đa rủi ro không tuân thủ các quy định về môi trường cho DN, theo các chuyên gia của Gartner, trước tiên, bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) cần đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của các cam kết mà Ban lãnh đạo đã đưa ra. Cụ thể như: Ban lãnh đạo có đưa ra các cam kết thực sự và thực chất để đáp ứng các giao ước được Liên hợp quốc công bố hay cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu hay không? Ban lãnh đạo có nhận thức được các quy định mà họ cần tuân thủ và đưa ra các quyết định tối ưu khi các quy định thay đổi hoặc có vướng mắc không?

Về nhân lực, các nhà lãnh đạo KTNB cần đảm bảo rằng nhóm của họ có thâm niên, chuyên môn sâu, có trách nhiệm và được trao quyền để thực hiện các đánh giá một cách nhanh chóng. Các lãnh đạo KTNB cũng phải đảm bảo tiến độ và hiệu suất đang được báo cáo đầy đủ, chính xác, trung thực và nhất quán trong nội bộ nhóm cũng như thông tin trên báo cáo khi phát hành ra bên ngoài.

Nhằm giúp DN giảm thiểu tối đa rủi ro về môi trường, kiểm toán viên nội bộ cần sử dụng các kỹ thuật kiểm toán dựa trên chuẩn mực để đánh giá rủi ro đối với việc đạt được các mục tiêu đã nêu và lập bản đồ các biện pháp kiểm soát cần thiết để giảm thiểu những rủi ro đó trong phạm vi chấp nhận được. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi kiểm toán viên phải sử dụng các kỹ năng kiểm toán để thu thập dữ liệu, duy trì sự độc lập khi tương tác với Ban lãnh đạo và sẵn sàng phê bình các kế hoạch không phù hợp, đi chệch hướng hoặc cố tình gian lận./.

ESG là một lĩnh vực bao trùm và quan trọng đối với mọi DN, vì vậy, KTNB cần bám sát để đánh giá đầy đủ về quy trình quản lý, hoạt động và dữ liệu của DN. Điều đó cũng giúp giảm thiểu tác động của các rủi ro phức tạp mới và rủi ro tiềm ẩn gây hậu quả trong tương lai.

Cùng chuyên mục
Rủi ro không tuân thủ quy định về môi trường và vai trò của kiểm toán nội bộ