Bảo tàng Hà Nội được coi là điển hình của tình trạng lãng phí do hiệu quả khai thác chưa tương xứng với công năng. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Từ lâu, tình trạng các bảo tàng hoạt động kém hiệu quả, không phát huy được thế mạnh đã trở thành bài toán chưa có lời giải. Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ VH-TT&DL, báo cáo do Cục Di sản văn hóa cho biết, có tới 32 bảo tàng trên toàn quốc được xây mới từ năm 2005 tới nay, nâng tổng số bảo tàng được Nhà nước đầu tư lên gần 150 bảo tàng.
Theo đánh giá, các bảo tàng được quan tâm đầu tư với nguồn kinh phí lớn, tại những vị trí đắc địa, tuy nhiên, phần lớn các bảo tàng mới chỉ làm tròn chức năng là nơi trưng bày hiện vật một cách đơn điệu, hoạt động của bảo tàng chưa mang “hơi thở” của cuộc sống... Thậm chí, một số bảo tàng còn mang lại hiệu quả thấp, chưa tương xứng với công năng và rơi vào tình trạng lãng phí. Chưa kể, mỗi năm các bảo tàng này còn ngốn một lượng kinh phí không nhỏ để bảo quản hiện vật và duy trì hoạt động.
Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc chuẩn bị nội dung trưng bày của bảo tàng, kế hoạch hoạt động phải được hoàn thiện cơ bản trước khi tiến hành xây dựng bảo tàng. Song, tại Việt Nam quy trình này được cho là diễn ra ngược lại. Đặc biệt, phần lớn các bảo tàng vẫn nặng tư duy bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước dẫn đến trì trệ và tự đặt mình ra ngoài quy luật kinh tế thị trường. Điển hình như Bảo tàng Hà Nội. Công trình này được ưu ái đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, sau 5 năm đi vào hoạt động, bảo tàng vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống hiện vật và luôn vắng khách tham quan. Nhiều hạng mục của bảo tàng bắt đầu xuống cấp. Sân bảo tàng thậm chí còn được tận dụng làm bãi trông giữ xe...
Những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý, khai thác bảo tàng hiện nay đã được chính Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ, trong đó có việc nặng về đầu tư hình thức mà chưa chú trọng đến nội dung, hệ thống hiện vật, cách thức tổ chức hiện vật cho bảo tàng. Người đứng đầu ngành Văn hóa cũng so sánh, nếu việc đầu tư cho hình thức chiếm 1%, thì nội dung mới chỉ dừng lại từ 0,3 đến 0,5%.
Làm sao để đưa bảo tàng vào cuộc sống?
Làm thế nào đưa bảo tàng đến gần hơn với cuộc sống? Cách thức nào để chấm dứt tình trạng lãng phí, khi bảo tàng hoạt động không hiệu quả? Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, phần lớn hoạt động của các bảo tàng hiện nay được tổ chức theo sự kiện, trưng bày một cách đơn điệu, thiếu các hình thức lồng ghép để tạo sự hấp dẫn với công chúng. Chưa kể, việc tổ chức, trưng bày vẫn theo chủ quan của người làm công tác bảo tàng mà không tính đến nhu cầu của người xem. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần thay đổi nhận thức, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, mà còn là nơi trải nghiệm và thư giãn của người xem. Điều này đồng nghĩa với việc, các bảo tàng cần đa dạng hóa hoạt động, thay đổi cách làm nặng tính chất áp đặt trước đây để thu hút công chúng.
Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay mà Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bảo tàng của Đức do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội tổ chức vừa qua. Điển hình là mô hình lồng ghép các hoạt động giáo dục với hoạt động trưng bày, triển lãm tại bảo tàng; phân chia nhóm đối tượng, để xây dựng chương trình phù hợp. Các bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho người làm công tác bảo tàng...
Hằng năm, Bộ VH-TT&DL vẫn dành khoản kinh phí 4 - 5 tỷ đồng đầu tư giúp bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn, song kết quả vẫn không có tiến triển đáng kể. Đã từng có những gợi ý về việc gắn bảo tàng với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác nguồn tài nguyên này để phát triển du lịch hiện vẫn là bài toán khó, khi tư duy của những người làm công tác này còn chậm được đổi mới, thiếu nhạy bén với thị trường… Trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trên mọi lĩnh vực, tăng cường các nguồn lực đầu tư từ xã hội để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, các bảo tàng cần phải tự đổi mới để thích nghi, tồn tại trong cơ chế thị trường. Do đó, hơn bao giờ hết, những người làm công tác bảo tàng cần nghiêm túc nhìn nhận, tiếp thu cái mới, đa dạng hoá các hoạt động của bảo tàng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, tổ chức thì mới có thể thu hút khách tham quan đến bảo tàng.