
Xử lý vi phạm, thu hồi triệt để đất đai, tài sản
Thực tiễn cho thấy, việc lãng phí, thất thoát tài nguyên đất đai đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, nhiều dự án vi phạm kéo dài, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý, làm suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý. Khi công tác quản lý, sử dụng đất công còn nhiều kẽ hở trong cả quy định pháp luật lẫn việc áp dụng pháp luật trên thực tế dẫn đến thất thu ngân sách; nguồn lực “vàng” của đất nước bị thất thoát, lãng phí…
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy; thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi tài sản, đất đai của Nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán các dự án đầu tư chậm tiến độ, không đưa dự án vào hoạt động đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư tại các địa phương, gây lãng phí nguồn lực đất đai để có giải pháp xử lý dứt điểm; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không thực hiện, thực hiện không hiệu quả để tạo nguồn đất sạch thu hút đầu tư, tạo quỹ đất cho người dân sản xuất.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Đáng chú ý, theo rà soát của Bộ Tài chính, hiện cả nước có 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm do các vướng mắc pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch với giá trị nguồn lực rất lớn, gây lãng phí. Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15. Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 76/2025/NĐ-CP và 91/2025/NĐ-CP, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án tồn đọng.
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội và triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, diễn ra ngày 17/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai là việc khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, song phải quyết tâm thực hiện. Qua đó, gỡ rào cản cho các dự án, đất đai, chống lãng phí, huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đạt tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Hoàn thiện thể chế đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm toán
Cùng với việc quyết liệt xử lý vi phạm, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng: Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất. “Cần minh bạch thông tin đất đai, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai. Bên cạnh đó, phải có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương thông qua việc thực thi pháp luật đất đai” - đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng) cũng cho rằng, pháp luật về đất đai dù đã có bước chuyển biến nhưng cần tiếp tục rà soát, nhất là đối với các văn bản quy định chi tiết để tháo gỡ triệt để vướng mắc về thủ tục đầu tư, giao đất, định giá đất… Đây cũng là vấn đề được đại diện các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, các ý kiến đề nghị cần đề xuất điều chỉnh, bổ sung quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW làm cơ sở để sửa đổi Luật Đất đai năm 2024.
Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả. Song điều này sẽ chưa đủ nếu thiếu vai trò kiểm tra, kiểm toán đi đôi với xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tạo sức răn đe đối với các chủ thể được giao quản lý, sử dụng đất. Thực tiễn cũng như các chuyên gia đã khẳng định: Có những lĩnh vực pháp luật rất chặt chẽ, song vì lợi ích riêng, nhiều cá nhân biết sai vẫn làm và số sai phạm bị phát hiện qua thanh tra, kiểm toán đã nói lên điều này. “Trường hợp nhẹ thì xử lý về mặt Đảng, hành chính; nặng thì khởi tố hình sự” - một chuyên gia tài chính cho biết. Do đó, các ý kiến nhấn mạnh: Cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai - đặc biệt là các hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chuyển nhượng dự án; đồng thời quản lý chặt quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất để hạn chế vi phạm.
Đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN), lĩnh vực đất đai luôn được xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch kiểm toán của Ngành. Bên cạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiến nghị xử lý các bất cập, vi phạm về đất đai đã được chỉ ra qua kiểm toán, trong năm 2025, KTNN thực hiện kiểm toán chuyên đề việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I - cho biết: Trên cơ sở “đặt hàng” của TP. Hà Nội, KTNN khu vực I đã lựa chọn kiểm toán 12 dự án. Căn cứ đề xuất của Thành phố và thực tiễn kiểm toán, đoàn kiểm toán sẽ đánh giá mức độ tuân thủ, hiệu lực, hiệu quả đối với các dự án lớn, các khu đất lấn chiếm, đất chậm đưa vào sử dụng… từ đó xây dựng bức tranh tổng thể, đánh giá thực trạng lãng phí. Bởi chỉ khi nhận diện đúng và sớm loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài sản công, lấy phòng là chính thì mới chặn đứng được tình trạng lãng phí nguồn lực quý giá cho phát triển đất nước.
Đặt kỳ vọng vào cuộc kiểm toán này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh: “Thành phố rất cần thông tin của KTNN để đánh giá lại nguồn lực, kịp thời khắc phục thiếu sót, tháo gỡ các tồn đọng, đặc biệt là những dự án chậm triển khai và tránh lãng phí nguồn lực đất đai”.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang triển khai công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, KTNN tiếp tục chú trọng kiểm toán công tác quản lý, sử dụng, sắp xếp và xử lý nhà, đất công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 tại các bộ, cơ quan, doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn mới.
Với quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành tích cực của cơ quan thanh tra, kiểm toán, có thể kỳ vọng về một hệ thống pháp luật đất đai chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực - hiệu quả; những hành vi lãng phí, thất thoát đất công sẽ từng bước bị đẩy lùi. Qua đó, nguồn lực đất đai được khai thông, phát huy tối đa để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước bền vững trong kỷ nguyên mới./.