Quảng Ninh hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân

(BKTO) - Nhằm phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, BHXH Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Điều đặc biệt là, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV vừa thông qua chính sách hỗ trợ đóng tiền BHXH tự nguyện cho người tham gia trong 5 năm, từ ngày 01/01/2023 đến hết 31/12/2027 với khoảng 180 tỷ đồng.

Người tham gia BHXH tự nguyện còn gặp khó khăn

mongcai.jpeg
Nhân viên BHXH Thành phố Móng Cái đến từng hộ dân để giới thiệu về BHXH tự nguyện. Ảnh: mongcai.gov.vn.

Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh giao BHXH tỉnh phát triển mới hơn 26.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã bàn giải pháp, phân bổ chỉ tiêu cho các phòng, ban nghiệp vụ, cơ quan BHXH cấp huyện, các tổ chức dịch vụ thu trong tỉnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên đại bộ phận người lao động phải thắt chặt chi tiêu.

Đến hết tháng 10/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn tỉnh là 21.480 người, giảm 758 người so với thời điểm 31/12/2021.

Một nguyên nhân nữa khiến việc phát triển BHXH tự nguyện đạt thấp là do từ ngày 01/01/2022, mức chuẩn hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn nghèo tăng lên kéo theo mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng tăng theo từ 138.000 đồng/tháng lên 297.000 đồng/tháng (đã trừ 10% hỗ trợ của Nhà nước với hộ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo).

Cùng với đó, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu phải đủ 20 năm với điều kiện người tham gia phải hết tuổi lao động, nên chưa thu hút người tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng chị Vũ Thu Hồng - Khu 1, phường Hải Hòa, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tham gia BHXH tự nguyện cho 2 vợ chồng. Chị Hồng tâm sự: Ngày trước, tôi không để ý đến BHXH tự nguyện, phần vì thu nhập của 2 vợ chồng còn eo hẹp, phần vì chưa biết, chưa tin tưởng vào lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại.

Gần đây, được cán bộ BHXH của Thành phố cũng như nhân viên Bưu điện và cán bộ phường giải thích cặn kẽ về lợi ích của BHXH tự nguyện nên chúng tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Tôi thấy khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ mang lại lợi ích cho người lao động tự do như chúng tôi khi về già.

Hiện vợ chồng chị Hồng đang tham gia mức đóng tối thiểu là 297.000 đồng/tháng. Khi đủ số năm tham gia tối thiểu (20 năm) và số tuổi theo quy định, chị Hồng sẽ nhận mức lương hưu khoảng trên 1.200.000 đồng/tháng (tạm tính trên cơ sở chỉ số điều chỉnh tiền đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5%/năm), chồng chị sẽ nhận mức hưởng gần 1.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, đây không phải là số tiền cố định vợ chồng chị Hồng nhận tại thời điểm lĩnh lương hưu mà sẽ định kỳ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Ông Lê Đình Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh - cho biết: BHXH tỉnh đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cơ quan cấp huyện phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường rà soát đối tượng chưa tham gia BHXH. Trên cơ sở đó, lập danh sách đối tượng tiềm năng để triển khai giải pháp tuyên truyền vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, ngành đang thí điểm thực hiện việc gửi thư ngỏ đến tận tay những đối tượng tiềm năng, vận động họ tham gia bảo hiểm. BHXH tỉnh cũng phối hợp với ngành bưu điện tổ chức diễu hành, phát tờ rơi đến từng khu dân cư, chợ dân sinh để vận động người dân tham gia.

Đồng thời, tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang website của ngành nhằm chuyển tải chính sách BHXH, BHYT, trọng tâm là BHXH tự nguyện… phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao trong những tháng cuối năm 2022.

BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ kinh phí cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người dân

Theo đó, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đóng tiền BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2023-2027 (Nghị quyết 02).

Người tham gia đóng bảo BHXH tự nguyện sẽ được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo và cận nghèo, 20% đối với các đối tượng khác trong 5 năm kể từ ngày 01/01/2023 đến hết 31/12/2027.

Như vậy, cùng với chính sách chung, sau khi có thêm hỗ trợ của tỉnh, người dân Quảng Ninh khi tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ: Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 50%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 45%; các đối tượng khác được hỗ trợ 30% mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng theo từng thời kỳ. Tương ứng, mỗi tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ phải đóng lần lượt là: 165.000 đồng, 181.000 đồng và 231.000 đồng. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh trong 5 năm là khoảng 180 tỷ đồng.

bh-van-don.jpg
BHXH huyện Vân Đồn tuyên truyền về chính sách BHXH cho người dân. Ảnh: baoquangninh.com.vn.

Ông Lê Đình Tuấn cho biết thêm, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 631.000 người trong độ tuổi lao động. Đến tháng 9/2022, tỉnh Quảng Ninh có hơn 272.000 người tham gia đóng BHXH, trong đó hơn 251.000 người tham gia BHXH bắt buộc và hơn 21.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Như vậy, còn khoảng 369.000 người, chủ yếu là chủ cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, nông dân, người lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện. Người không tham gia BHXH tự nguyện sẽ không có cơ hội nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Đây sẽ là gánh nặng cho ngân sách khi phải chi trả chế độ trợ cấp người cao tuổi do không có lương hưu.

BHXH Quảng Ninh phấn đấu, đến hết năm 2023 sẽ có 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến hết năm 2027 là 60.000 người, bình quân mỗi năm có khoảng 45.400 người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Lê Đình Tuấn, việc hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện của Quảng Ninh theo Nghị quyết 02 sẽ giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của trung ương và tỉnh.

Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, giảm số lượng người hưởng BHXH 1 lần, tạo động lực để người có thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân, giảm gánh nặng chi trợ cấp xã hội, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi sau này, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.

Ông Trần Quang Ngọc - Tổ 5, khu 5, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Dịch bệnh khiến người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, thu nhập giảm sút, người dân rất cần các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương. Việc hỗ trợ người dân tiền đóng BHXH tự nguyện sẽ giảm bớt chi phí cho người dân, cho thấy sự quan tâm của địa phương đối với người lao động./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ninh hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân