Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%

(BKTO) - Chiều 27/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, với 95,19% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Quốc hội quyết nghị: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tới khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.



Đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Mục tiêu tổng quát cũng xác định: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết - Ảnh: quochoi.vn

   

Đồng thời, trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước

Với Nghị quyết được thông qua, Quốc hội quyết nghị, Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tới khoảng 6,5 - 7%;

Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, liên quan đến chỉ tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Chiến lược vắc xin toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực. Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo Nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra, Nghị quyết của Quốc hội cũng đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong đó, Quốc hội yêu cầu, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và an sinh xã hội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà giữa các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
                
   

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết - Ảnh: Quang Khánh

   

Nghị quyết cũng xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, Quốc hội yêu cầu, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, kéo dài; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng.

”Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN bảo đảm tiến độ, hiệu quả; xử lý dứt điểm những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh. Quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán” – Nghị quyết nêu rõ.

Cùng với đó, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm...
         
Các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới gồm:
   -Các chỉ tiêu về kinh tế:
   Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%.
   GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
   Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
   Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.
   Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.
   Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
   Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.
   - Các chỉ tiêu về xã hội:
   Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm.
   Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.
   Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%.
   Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
   Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm.
   Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân.
   Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
   Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
   -Các chỉ tiêu về môi trường:
   Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%.
   Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%.
   Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
   Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
   Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%