Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hơn 25,5 nghìn tỷ đồng làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

(BKTO) - Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), với 95,47% đại biểu Quốc hội tán thành.

202406280824380831_z5580999724991_8e410e17c9cb8a14937b08dccbb29f9b.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa  - Chơn Thành. Ảnh: VPQH

Theo Nghị quyết, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được đầu tư khoảng 128,8 km với toàn bộ 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100-120km/h.

Dự án sẽ được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm Bình Phước là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 1 nghìn tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12,7 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, việc đầu tư quy mô 02 làn xe đối với đoạn 2 km đường giao kết nối cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ tạo nút thắt cổ chai trong giao thông, gây ùn ứ, mất an toàn giao thông. Do vậy, đề nghị xem xét đầu tư đoạn kết nối theo quy mô 04 làn xe.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh Dự thảo Nghị quyết theo hướng đầu tư đồng bộ toàn Dự án theo quy mô 04 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng của Dự án, bảo đảm không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án.

Về tác động của dự án đến các dự án giao thông BOT song hành, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp cụ thể hơn đối với phương án xử lý hai dự án BOT song hành (dự án BOT cầu 38 thị xã Đồng Xoài và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông), tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và việc khai thác, vận hành về sau của dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, đánh giá sơ bộ, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ kéo dài thời gian thu phí của hai dự án BOT trên quốc lộ 14 khoảng từ 5-6 năm. Nhưng sau khi Dự án đưa vào khai thác sử dụng mới đủ cơ sở đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của Dự án đến hai dự án BOT song hành này, khi đó mới có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp.

Dự kiến sẽ thực hiện giải pháp theo hướng kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT nhằm bảo đảm hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các giải pháp phù hợp khác nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính cho dự án.

202406280824380987_z5581009228206_aad851e10976e0ee679f19d0bdb8c88c.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Về phương án tài chính và nguồn vốn, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khả năng bố trí vốn ngân sách địa phương cho Dự án, do các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đều chưa tự cân đối được ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Dự án có vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông. Để thực hiện Dự án, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước và Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương. Đồng thời, tại Dự thảo Nghị quyết đã quy định các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn cho Dự án.

Về tiến độ hoàn thành, chất lượng của dự án, để bảo đảm tính khả thi, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này.

Cùng chuyên mục
  • Gỡ vướng về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) song các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án.
  • Tăng cường hợp tác thương mại nông sản, thủy sản với Liên bang Nga
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Hợp tác giữa Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua diễn ra khá tốt, kim ngạch thương mại nông sản đã tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua, hiện vào khoảng 1 tỷ USD/năm.
  • Nông nghiệp ngược dòng chung, đạt kết quả giải ngân cao
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong khi nhiều Bộ, ngành giảm điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) lại tăng điểm mạnh ở kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm, với tỷ lệ chung đạt 41,8% so với kế hoạch năm 2024. Dù vậy, lãnh đạo Bộ NNPTNT và các đơn vị cũng tỏ ra thận trọng trước những thách thức trong thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.
  • Khai thác phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, song việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác bất hợp pháp, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản do tình trạng khai thác quá mức cho phép… Đây cũng là vấn đề làm “nóng” phiên chất vấn về lĩnh vực tài nguyên, môi trường vừa qua.
  • Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tỉ trọng thấp so với mục tiêu
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 06 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng…
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hơn 25,5 nghìn tỷ đồng làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành