Quy hoạch giúp Quảng Nam khơi thông nguồn lực của tỉnh

(BKTO) - Tỉnh Quảng Nam vừa trở thành tỉnh thứ 59 được Hội đồng Thẩm định thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

vg.jpg
Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam cần phải phát huy được lợi thế riêng. Ảnh minh họa: VGP

Nằm ở vị trí trung điểm của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam là tỉnh có quy mô về diện tích và dân số lớn, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên, giáp với nước bạn Lào; có đường bờ biển dài gần 125 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều di sản văn hóa quốc gia và thế giới.

Quảng Nam có hệ thống giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là yếu tố quan trọng tạo thuận lợi trong giao lưu thương mại, hợp tác kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội trong Vùng.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam hiện nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, thu hút vốn FDI đứng thứ 3 trong Vùng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ nhóm có mức thu nhập thấp lên đạt mức bình quân của cả nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế của tỉnh phát triển không ổn định, tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2015 và giảm dần trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt có năm tăng trưởng âm như năm 2020 và dự kiến năm 2023. Điều đó cho thấy, kinh tế Quảng Nam phát triển thiếu bền vững, phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sau thời gian phát triển đột phá, kinh tế Quảng Nam đã bộc lộ các điểm yếu, dễ bị tổn thương; quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để tỉnh rà soát, đánh giá rõ thực trạng, xác định cụ thể các điểm nghẽn, từ đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, giúp Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, mục tiêu đề ra đến năm 2030 là trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tỉnh sẽ có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp…

Tầm nhìn đến 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng góp lớn cho ngân sách; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ hiện đại…

Các khâu đột phá được tỉnh xác định là: phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

Để giúp tỉnh Quảng Nam khơi thông nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội để bứt phá, Hội đồng thẩm định đã tham gia ý kiến, tập trung vào ba nhóm vấn đề gồm: sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện vào nội dung quy hoạch tỉnh.

Tiếp thu các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam luôn xác định việc cân bằng giữa khát vọng phát triển của tỉnh với tính khả thi thực tế, do vậy, tỉnh sẽ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm quy hoạch bao quát đầy đủ, đảm bảo tính khách quan, thực tiễn.

100% thành viên Hội đồng thẩm định đã đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Nam với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, nội dung quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội… Bước tiếp theo, địa phương cần sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung: tiềm năng, thế mạnh và vai trò của Quảng Nam đối với vùng/quốc gia trong một số nội dung về vị trí địa lý, tài nguyên, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, tài nguyên biển nhất là những dạng tài nguyên đặc sắc, nổi trội, riêng biệt của Quảng Nam.

Về quan điểm phát triển, cần bổ sung quan điểm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế cacbon thấp vào quy hoạch tỉnh; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát triển bền vững, gắn liền với bảo tồn, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về các đột phá phát triển, cần xem xét, cân nhắc lựa chọn một số đột phá phát triển hạ tầng các khu kinh tế và hạ tầng kết nối với sân bay, cảng biển, trung tâm logistics, phát triển vùng động lực từ đường cao tốc ra đến biển, tập trung vào chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch giúp Quảng Nam khơi thông nguồn lực của tỉnh