Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, Đắk Nông là tỉnh có vị trí quan trọng, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam tại Vùng Tây Nguyên kết nối giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ; thuộc hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam bộ, các hành lang Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung bộ; thuộc Tam giác phát triển giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và Quốc lộ 14C nối Đắk Nông với Đắk Lắk, các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh (theo trục dọc); Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận (theo trục ngang); là địa phương có quặng bôxít với trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, có Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Đắk Nông được duy trì ở mức tăng trưởng khá (đạt 6,67%) nhưng không ổn định qua các năm và giai đoạn; năm 2020, quy mô GRDP đạt 19.026 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế thuộc hàng thấp so với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; tổng thu chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 chỉ đáp ứng dự toán chi ngân sách hằng năm khoảng 37,3%.
Hiện nay, Đắk Nông vẫn là vùng trũng về thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Hạ tầng giao thông kém phát triển ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư.
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được trình bày trước Hội đồng thẩm định, Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia và vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2021-2030; mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Đắk Nông.
Quy hoạch nêu rõ quan điểm phát triển đến năm 2050 xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên; xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm; là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên. Đồng thời phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan; trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.
Quy hoạch đưa ra 14 nhóm giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực như nhóm giải pháp huy động nguồn lực vốn; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách huy động vốn; nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; nhóm giải pháp đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông trong quá xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh, việc lập quy hoạch cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức, có được tư duy, tầm nhìn mới, tạo dựng không gian phát triển, động lực phát triển mới cho tỉnh và đất nước.
Đặc biệt, từ Quy hoạch có thể chủ động kiến tạo tương lai phát triển cho địa phương trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, chứ không chỉ dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có hay là thích ứng, đối phó với những khó khăn, thách thức. Muốn vậy phải có sự tiếp thu sáng tạo và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tiễn các xu hướng mới trên thế giới.
Theo đó, Đắk Nông phải coi việc lập Quy hoạch lần này là cơ hội để tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển cho thời kỳ quy hoạch - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, có 8 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, gồm Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Lào Cai và Tuyên Quang; 25 tỉnh đã thẩm định xong, đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hơn 10 tỉnh đang chuẩn bị tổ chức thẩm định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư