Quy hoạch tỉnh Hà Nam phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương

(BKTO) - Quy hoạch tỉnh Hà Nam đưa ra khát vọng phát triển thành thành phố trực Trung ương vào năm 2035 bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát triển công nghiệp lấy công nghệ cao là đột phá, tiết kiệm đất đai, nguồn lực.

2(1).jpg
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050  vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: MPI

Hà Nam là tỉnh nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với khoảng cách 60km. Tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước với các hạ tầng giao thông cấp quốc gia đi qua; là nơi có vị trí gần Hà Nội với nguồn nhân lực chất lượng cao và rất gần với các cảng hàng không, cảng biển trọng điểm của đất nước.

Đặc biệt, Hà Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch dồi dào, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được đầu tư và phát triển tạo lợi thế cho Hà Nam không chỉ trong thu hút đầu tư mà còn thuận lợi trong việc liên kết phát triển với các địa phương.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, Quy hoạch tỉnh Hà Nam được lập trong bối cảnh có nhiều thuận lợi với những căn cứ, cơ sở xây dựng Quy hoạch đầy đủ.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Nam là quỹ đất sử dụng nhỏ; còn phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chủ đạo; năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối, nhất là giao thông qua tỉnh khá nhiều, song lại tạo sự chia cắt không gian.

Các khu công nghiệp, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nguồn nhân lực có năng suất lao động thấp; việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn.

Để tỉnh Hà Nam phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, hạn chế, khắc phục được những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra một số nhóm vấn đề cần lưu ý.

Cụ thể gồm: xem xét tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp quy định của Luật Quy hoạch; cho ý kiến về việc đánh giá phương pháp lập Quy hoạch và nội dung Quy hoạch tỉnh Hà Nam; đánh giá về yếu tố đặc thù, thực trạng phát triển; những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; tính phù hợp của các đề xuất phương án, nhất là trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Cùng với đó là các tồn tại, hạn chế cần giải quyết, nhất là trong việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đồng thời cần làm rõ thêm về quan điểm phát triển; mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 và trở thành nơi phát triển hiện đại vào năm 2050; định hướng tổ chức không gian, phát triển ngành, lĩnh vực và phân bổ nguồn lực, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, chuyên gia phản biện đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể để tỉnh Hà Nam phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; hạn chế, khắc phục được những khó khăn, thách thức, từ đó khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, tỉnh Hà Nam xác định công tác lập Quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Trong quá trình lập Quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chủ động phối hợp chặt chẽ với thường trực Hội đồng thẩm định và các cơ quan chức năng thuộc Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là tỉnh phát triển hiện đại vào năm 2050. Quy hoạch đưa ra quan điểm phát triển dựa trên khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển công nghiệp tạo động lực và nhu cầu phát triển dịch vụ, đô thị và kinh tế nông nghiệp.

Cụ thể, Hà Nam sẽ tập trung phát triển: 02 trục động lực (Bắc - Nam và Đông - Tây); 03 đột phá chiến lược (hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao); 04 trụ cột tăng trưởng (gồm công nghiệp; đô thị; du lịch; kinh tế nông nghiệp).

Tham gia ý kiến đối với nội dung Quy hoạch, các đại biểu cho rằng, Quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được lập theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, nội dung quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch cơ bản đảm bảo yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Sau khi thảo luận, Hội đồng thẩm định đã biểu quyết với kết quả 100% nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Nam và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Hà Nam với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo các ý kiến của Hội đồng.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch tỉnh Hà Nam phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương