Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thành trung tâm kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao

(BKTO) - Trong quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần nhận diện được những thách thức, cơ hội về không gian phát triển, thực hiện mục tiêu, mô hình mới một cách bền vững; đánh giá đúng thực trạng; phân tích và đưa ra định hướng mới; hình thành kết cấu hạ tầng thích hợp; có những giải pháp để huy động nguồn lực…

dcs.jpeg
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thành trung tâm kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Đó là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch đặt ra tại phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa là cơ hội để đánh giá tiềm năng, thế mạnh, thách thức của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã căn cứ vào những văn bản pháp lý quan trọng như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa…

Mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Theo Báo cáo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển là đảm bảo tính khả thi và phát triển lâu dài, tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo; đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa các thành phần kinh tế và bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động toàn cầu bất lợi trong tương lai, tập trung vào đổi mới và đa dạng hóa; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tầm nhìn của Khánh Hòa đến năm 2050 được hỗ trợ bởi 03 trụ cột chính là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khoảng 8% giai đoạn 2021-2030 và 5% giai đoạn 2030-2050. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8 nghìn USD vào năm 2030.

Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đưa ra 4 phân vùng quy hoạch chính với những thế mạnh và đặc điểm riêng, bổ trợ cho nhau, bao gồm: Khu kinh tế Vân Phong - đóng góp GRDP thấp nhất trong năm 2020, là khu vực chưa phát triển với tiềm năng chưa được khai thác; Vùng trọng điểm gồm thành Nha Trang và phía Nam Ninh Hòa và huyện Diên Khánh - khu vực đô thị và điểm nóng phát triển du lịch và dịch vụ lâu năm; Vùng phía Nam gồm thành phố Cam Ranh và đô thị Cam Lâm - trung tâm quốc phòng và logistic địa phương; Vùng phía Tây gồm khu vực nội địa và miền núi - khu vực nông thôn cách biệt và đất chủ yếu là nông nghiệp thuộc các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía Tây thị xã Ninh Hòa.

Tại phiên họp, các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và ý kiến phản biện của chuyên gia đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo Quy hoạch và nội dung Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, đồng thời tham gia một số ý kiến để hoàn thiện hơn nữa các báo cáo.

Cụ thể, các ý kiến đề xuất làm rõ thêm các điểm nghẽn phát triển, nguyên nhân của việc phát triển có xu hướng chậm lại; về hạ tầng giao thông, liên kết vùng, nội vùng, liên vùng vẫn còn những bất cập; quản lý tiềm năng nguồn lực như đất đai, nhân lực trong thời kỳ quy hoạch.

Các thành viên ý kiến cũng yêu cầu bổ sung thêm về sự phân bổ phát triển không gian, hiện trạng hạ tầng xã hội, đô thị; thực trạng khai thác bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu, kịch bản phát triển; phương án phát triển các khu công nghiệp; danh mục các mỏ khoáng sản…

Về lựa chọn các ngành ưu tiên cơ bản phù hợp với tinh thần các quy hoạch cấp trên, tuy nhiên, cần đưa ra luận chứng thể hiện rõ cơ sở ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng rõ việc lựa chọn các đô thị đưa ra và các tiêu chí lựa chọn. Về phương án phát triển các khu công nghiệp, cần bổ sung các khu công nghiệp, rà soát và luận chứng rõ việc sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…

Tại phiên họp, Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu với kết quả 100% đồng ý thông qua các báo cáo quy hoạch với điều kiện tỉnh Khánh Hòa có tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu, đề xuất của Hội đồng thẩm định và các chuyên gia.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thành trung tâm kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao