Không nên quy định quá chi tiết
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, chưa từng có tiền lệ, rất khó song đây cũng là cơ hội để đưa vào những khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng cường.
Ví Quy hoạch tổng thể quốc gia như một “người lính đi mở đường”, đại biểu cho rằng, Quy hoạch sẽ tạo nên động lực phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Theo đó, Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và thuận lợi cho việc giám sát quá trình thực hiện.
Nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới, quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc xác định các nội dung của Quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược phải rõ, cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn, thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp, có chọn lọc các định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tổng hợp, hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành” .
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An
Theo đại biểu, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Cùng với đó, cần xem xét trong Quy hoạch, những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý. Trong đó, những nội dung “quy hoạch cứng” như giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì mới “chốt” ở trong Quy hoạch này.
Đối với những nội dung khác có thể xã hội hóa hoặc mang tính định tính như giáo dục, y tế thì nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí “bó khung” có thể làm hạn chế việc phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không để một số nội dung xa rời thực tiễn; cần nghiên cứu, bổ sung thêm những định hướng quan trọng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế xã - hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của 6 vùng kinh tế trọng điểm và các nghị quyết phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
“Cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy về sau. Bởi khi dự báo tương đối chính xác, chúng ta sẽ có được những khung số liệu nền tảng phục vụ cho việc xây dựng những kịch bản tăng trưởng khả thi, đi kèm với những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách được đề xuất mang tính khả thi cao” - đại biểu đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị, Quy hoạch này cần phải đề cập sâu hơn về việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng để làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển mang tính bền vững và bao trùm.
Đề cập tới định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển, đại biểu cho rằng, phát triển các khu kinh tế ven biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2030 đối với 8 Khu kinh tế ven biển đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời cũng cần bổ sung nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển các khu kinh tế ven biển phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững hơn.
Quy hoạch các sân bay, cảng biển cần thận trọng, tránh lãng phí
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia có tính quyết định; việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng, cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng Quy hoạch thì quy hoạch mới có tính bền vững, lâu dài.
Bên cạnh đó, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở để lập quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành.
Đại biểu đề nghị Quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành những đoạn, tuyến, hành lang mới, nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo các nghị quyết đã đề ra.
Đánh giá cao quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số..., đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng quy hoạch cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực, trong đó Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị... Theo đại biểu, hệ thống đường sắt đô thị trong hai thành phố trên đang có hướng phát triển nhưng các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh./.