Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh vừa ký ban hành Công văn số 740/KTNN-PC yêu cầu các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiên cứu, rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.

luat-ktnn.jpg
Các đơn vị trực thuộc cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá các quy định của Luật KTNN để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ảnh: TS

Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở quy định hiện hành và từ thực tiễn thực hiện Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các đơn vị tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi có Luật KTNN năm 2015 trên góc độ về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đặc biệt là việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật và nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế là do Luật KTNN, do chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của Luật KTNN với các luật khác liên quan hay do tổ chức thực hiện.

Các đơn vị cũng cần rà soát, đánh giá những quy định còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chồng chéo giữa Luật KTNN với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư… Trong đó, xác định rõ các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về một số nội dung cụ thể của Luật KTNN cần rà soát, đánh giá, Công văn nêu rõ, các đơn vị cần rà soát về đối tượng kiểm toán của KTNN quy định tại Điều 4 Luật KTNN; đánh giá những vướng mắc, bất cập về nội dung, thẩm quyền ban hành báo cáo kiểm toán; những khó khăn, vướng mắc khi sử dụng báo cáo kiểm toán trong công tác quản lý, điều hành, giám sát, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cơ quan, đơn vị; về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.

Liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, các đơn vị cần lưu ý đánh giá tồn tại, bất cập trong các quy định về: xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xây dựng kế hoạch hàng năm của mỗi cơ quan; việc trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN; vai trò của KTNN và cách thức tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Các đơn vị cần rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập, vướng mắc trong các quy định về tổ chức bộ máy KTNN, công chức KTNN, hoạt động của KTNN; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện quyền truy cập của KTNN vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; rà soát quy định về đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân có liên quan…

Đồng thời, đánh giá về hoạt động của KTNN với hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán; mối quan hệ giữa KTNN với cơ quan thanh tra, kiểm tra; các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương; các cơ quan, đơn vị tổ chức khác.

Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, đánh giá, các đơn vị đề xuất từng nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN. Các đề xuất cần nêu rõ nội dung sửa đổi, bổ sung; lý do sửa đổi, bổ sung; lộ trình thực hiện… để bảo đảm tính khả thi - Công văn nêu rõ./.

Cùng chuyên mục
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước