Một số vấn đề ảnh hưởng tới tính minh bạch trong đầu tư công

ThS,KTVC. NGUYỄN VĂN HÒA - KTNN khu vực IX | 04/08/2023 15:41

(BKTO) - Công khai, minh bạch là nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nuớc, trong đó có hoạt động đầu tư công (ĐTC). Quá trình kiểm toán dự án đầu tư, kiểm toán viên (KTV) phát hiện một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch ĐTC.

3.jpg
KTV phát hiện một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch ĐTC. Ảnh minh họa

Lựa chọn dự án đầu tư để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn

Hiện nay, việc hầu hết các dự án trong kế hoạch ĐTC không yêu cầu phải tham vấn với công chúng đã làm giảm đi tính minh bạch. Theo khoản 2 Điều 74 Luật ĐTC 2019, chỉ có các dự án lớn, đòi hỏi phải tái định cư ở quy mô lớn mới cần tham vấn với những hộ bị ảnh hưởng. Quá trình kiểm toán cho thấy: Các dự án được lựa chọn để lập kế hoạch ĐTC trung hạn hiện nay có nội dung đề xuất chủ trương đầu tư cơ bản đã đáp ứng được quy định Luật ĐTC 2019 như: “Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch đầu tư; mục tiêu, quy mô, địa điểm và phạm vi đầu tư; dự kiến tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn ĐTC và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án…”.

Tuy nhiên, công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư thường do các chủ đầu tư tự thực hiện. Do áp lực về khối lượng công việc, trình độ chuyên môn của cán bộ lập chưa được đồng đều nên chất lượng nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thường chưa cao, có hiện tượng sao chép nội dung, một số dự án còn chưa đánh giá được đúng tình hình thực tế dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện dự án kéo dài, có dự án không hoàn thành được và phải giảm quy mô đầu tư… Tình trạng này phần nhiều là do các chỉ tiêu về sự cần thiết đầu tư, quy hoạch được duyệt, các điều kiện để thực hiện đầu tư… trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa lượng hóa được tiêu chí để đưa ra được thứ tự ưu tiên dự án nào đầu tư trước, dự án nào đầu tư sau.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, KTV nhận thấy một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin tài khóa liên quan đến chính sách về ĐTC tại Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể là chưa có hồ sơ thể hiện phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các tài liệu liên quan đến thuyết minh, số liệu về dự toán hằng năm trình Hội đồng nhân dân.

Từ những phát hiện trên, KTV cho rằng, để tăng tính minh bạch trong việc lựa chọn dự án lập kế hoạch ĐTC, trước hết, địa phương phải thực hiện tốt quy định về công khai ngân sách nhà nước theo quy định. Tiếp đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về ĐTC, trong đó quy định bắt buộc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với tất cả các dự án ĐTC trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các trang thông tin điện tử. Nội dung đề xuất chủ trương đầu tư phải lượng hóa được các tiêu chí như: Sự cần thiết đầu tư, quy hoạch được duyệt, các điều kiện để thực hiện đầu tư… nhằm đưa ra thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án.

Thực tế cho thấy, việc công khai các kết luận, thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật còn có điểm hạn chế, cụ thể như nhiều đơn vị, cá nhân chưa tiếp cận được kết luận, do đó, chưa phát huy được yêu cầu giám sát của tổ chức, cá nhân. Để đạt được mục đích của việc công khai kết luận thanh tra, kiểm toán và đảm bảo đúng tinh thần pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần xác định rõ hơn hình thức công khai, trong đó, quy định hình thức bắt buộc để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận kết luận thanh tra, kiểm toán và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả và là động lực làm tăng tính minh bạch trong ĐTC.

Lập quy hoạch và lập thiết kế của dự án

Trong quá trình kiểm toán, KTV phát hiện một số bất cập liên quan đến lập quy hoạch và lập thiết kế của dự án. Cụ thể, đồ án quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu đồng bộ, chậm triển khai, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch do yếu tố chủ quan của một hoặc một số người có thể là kẽ hở tạo ra lợi ích nhóm.

Mặt khác, công tác khảo sát, thiết kế trong một số trường hợp không đảm bảo chất lượng, chưa sát với thực tế, không đúng với những tiêu chuẩn hoặc thiết kế sai dẫn đến có thể là để có lợi cho một hoặc một số người. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế một số chỗ chưa tính đến sự khác biệt vùng miền (địa chất, khí hậu, tập quán...), một số quy ước để tính quy mô cũng có sự khác nhau, ví dụ như cùng số lượng cán bộ công chức nhưng trụ sở ngành này to gấp đôi, gấp 3 ngành kia…, điều này đã làm giảm đi tính minh bạch của dự án ĐTC.

Để hạn chế những bất cập trên và làm tăng tính minh bạch trong hoạt động ĐTC, công tác lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, ngoài yếu tố lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có năng lực, kinh nghiệm, địa phương cần làm tốt, tránh làm hình thức công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực chịu ảnh hưởng của quy hoạch. Công tác lập thiết kế dự án phải chấp hành đúng quy hoạch được duyệt, trường hợp thiết kế bắt buộc thay đổi so với quy hoạch, phải bắt buộc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực chịu ảnh hưởng đối với thiết kế đó. Các cơ quan chuyên môn cần xem xét xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn thống nhất cho các ngành để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động ĐTC.

Bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm

Trong thực tế, ngân sách trung ương phụ trách các dự án quan trọng của quốc gia và các dự án đầu tư lớn tầm khu vực, trong khi ngân sách địa phương cũng phụ trách một phần cùng các lĩnh vực đó. Việc phân giao nhiệm vụ chi từ cấp tỉnh trở xuống giữa các tỉnh không đồng nhất, có tỉnh giao bổ sung ngân sách có mục tiêu trực tiếp cho dự án ĐTC, có tỉnh phân bổ ngân sách tập trung cho lĩnh vực ĐTC ngân sách cấp dưới.

Trong khi đó, Chính phủ có nhiều nghị quyết khuyến khích đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền. Do đó, trường hợp ngân sách bổ sung có mục tiêu từ cấp trên trực tiếp cho các dự án cấp dưới có thể gây chậm trễ trong triển khai dự án do các thủ tục điều chỉnh ngân sách phải thông qua nhiều cơ quan cấp trên liên quan, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian... Điều này có thể tạo kẽ hở dẫn đến cơ chế "xin - cho" ở nhiều cấp. Do đó, việc phân giao nhiệm vụ đảm bảo phân cấp, phân quyền hợp lý là yếu tố làm tăng tính minh bạch, hiệu quả, góp phần ngăn ngừa cơ chế "xin - cho" trong hoạt động bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm.

Việc dự toán kế hoạch vốn ĐTC hằng năm của các địa phương phụ thuộc nhiều vào dự toán thu, số thực thu hằng năm và kinh nghiệm của cán bộ phụ trách kế hoạch vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Về pháp lý, việc bố trí kế hoạch vốn hằng năm được thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020. Tuy nhiên, việc bố trí kế hoạch vốn hằng năm cũng còn có những điểm chưa lượng hóa được nên vẫn còn kẽ hở, có thể tạo cơ chế "xin - cho".

Ví dụ, với dự án nhóm C, thời gian bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án không được quá 3 năm. Tuy nhiên, 1 dự án có tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng và 1 dự án có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng đều thuộc nhóm C. Do đó, việc phân bổ vốn thực hiện dự án được phép bố trí trong 3 năm, mặt khác, việc phân bổ kế hoạch vốn mỗi năm cũng chưa có định mức cụ thể, phụ thuộc nhiều vào số thực thu hằng năm và kinh nghiệm của cán bộ phụ trách kế hoạch vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đó chủ đầu tư có thể xin để được bố trí kế hoạch hoạch vốn hằng năm có lợi cho dự án cấp mình quản lý. Đây là kẽ hở có thể tạo cơ chế "xin - cho", làm giảm tính minh bạch trong ĐTC. Để bịt kẽ hở này, tăng tính minh bạch trong ĐTC, mỗi địa phương cần xây dựng định mức cụ thể đối với việc phân bổ kế hoạch vốn ĐTC hằng năm dựa trên các thông số phù hợp với dự án và điều kiện thực tế tại địa phương./.

Cùng chuyên mục
Một số vấn đề ảnh hưởng tới tính minh bạch trong đầu tư công