Bài 1: Kiểm toán nhà nước và địa phương - mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả

"Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nớc với các địa phương" là chủ đề của cuộc Tọa đàm truyền hình do Báo Kiểm toán tổ chức thực hiện chiều 28/7 tại Báo Kiểm toán.

Tại Tọa đàm, các diễn giả đều khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với các địa phương mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Về phía KTNN có thể nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Về phía địa phương có thể nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bài 1: Kiểm toán nhà nước và địa phương - mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, công tác phối hợp giữa KTNN khu vực với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và các đơn vị tại địa phương ngày càng gắn kết chặt chẽ. Sự phối hợp đó được thực hiện xuyên suốt trong quá trình, hoạt động kiểm toán với mục tiêu cao nhất là để các bên cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

6-bieu-do.jpg
Biểu đồ: VIẾT CHUNG

Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả

Theo ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI, ngay từ khi lập kế hoạch kiểm toán, giữa KTNN với UBND các tỉnh, thành phố luôn có sự trao đổi thông tin để lựa chọn những chủ đề kiểm toán thiết thực nhất, nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ của KTNN, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố; đáp ứng được yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công của các địa phương.

Trong khâu thực hiện kiểm toán, KTNN cũng phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương, thể hiện ở hai góc độ. Thứ nhất, KTNN công khai danh mục các đơn vị được kiểm toán; thứ hai, tại các hội nghị triển khai kiểm toán, KTNN đề xuất UBND tỉnh, thành phố cùng giám sát các hoạt động kiểm toán nhằm thực hiện theo đúng kế hoạch, mục tiêu và nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động của đoàn kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong mọi hoạt động. Chính vì vậy, gần như tất cả các kết quả kiểm toán, các cuộc kiểm toán đã đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra.

6-ong-vu-khanh-toan.jpg
Ông Vũ Khánh Toàn. Ảnh: HOÀNG LONG

Là một trong những địa phương đầu tiên ký kết quy chế phối hợp với KTNN, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, thực hiện Quy chế phối hợp được ký kết từ năm 2012, UBND TP. Hà Nội luôn chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, giao Sở Tài chính là đơn vị đầu mối cung cấp các thông tin, tài liệu chung cho các đoàn kiểm toán…

Chia sẻ về những điểm đổi mới tích cực của KTNN để không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán tại các địa phương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI nhấn mạnh, Ban cán sự đảng KTNN cũng như Tổng Kiểm toán nhà nước luôn có những chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần cho các địa phương thực hiện tốt việc quản lý tài chính công, tài sản công và thực hiện được các mục tiêu của hoạt động kiểm toán; đặc biệt là góp phần phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm gần đây, việc đổi mới hoạt động kiểm toán càng được thể hiện rất rõ ràng, quyết liệt, mạnh mẽ. Riêng trong năm 2023, Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành trên 5 văn bản để chỉ đạo sự đổi mới trong hoạt động kiểm toán. Điều này được thể hiện trên một số yếu tố cơ bản như: Việc lựa chọn đơn vị kiểm toán phải đi vào chủ đề trọng yếu, trọng tâm, đặc biệt quan tâm đến nội dung giám sát của Quốc hội, nội dung trong các nghị quyết của Quốc hội để lựa chọn các đầu mối kiểm toán. Tiếp đến là giảm đầu mối kiểm toán theo phương châm “Làm ít nhưng chất”; gắn kết, lồng ghép giữa các cuộc kiểm toán trên cùng một địa bàn để giảm thiểu tần suất xuất hiện của hoạt động kiểm toán trên địa bàn, giúp cho địa phương có thời gian thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực của địa phương

Điểm đổi mới nữa là năm 2023, KTNN quy định chỉ lựa chọn 50% cuộc kiểm toán liên quan đến cấp huyện tại địa phương. Đồng thời, trên tinh thần nhận thức rõ những thách thức khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nên KTNN cũng hạn chế tối đa nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thuế… Những đổi mới này được các địa phương rất hoan nghênh, ủng hộ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, công tác kiểm toán nói chung, các Báo cáo kiểm toán nói riêng, là một trong những căn cứ rất quan trọng giúp cho TP. Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước một cách hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra. Kết quả kiểm toán và báo cáo kiểm toán đã giúp cho Thành phố, lãnh đạo Thành phố có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc khai thác, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đối với các đơn vị khi được kiểm toán cũng giúp nhận ra những vấn đề chưa đầy đủ, còn sai sót để kịp thời khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, chỉ ra những vấn đề phải khắc phục, KTNN cũng giúp TP. Hà Nội và các cơ quan của Thành phố nhận diện và lắng nghe những ý kiến đóng góp, góp ý đối với các cơ chế, chính sách. Thực tế cho thấy, TP. Hà Nội cũng đã có rất nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất với các đoàn kiểm toán để KTNN đưa vào những chương trình liên quan đến việc xây dựng chính sách, pháp luật, thể chế, từ đó giúp cho thể chế, chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Đặc biệt, công chức của địa phương trực tiếp làm việc, tiếp xúc với đoàn kiểm toán cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức sâu, kinh nghiệm quý của các kiểm toán viên. Bởi các kiểm toán viên đã trải qua quá trình kiểm toán tại rất nhiều địa phương, có thể chia sẻ, hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ địa phương. “Đây là cái được rất lớn trong quá trình địa phương làm việc với các đoàn kiểm toán; ngoài vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, địa phương cũng học hỏi được nhiều điều qua tinh thần chỉ đạo đổi mới của KTNN” - ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ./.

Theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN sẽ kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với ngân sách địa phương. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này, số địa phương được kiểm toán đã tăng dần qua từng năm. Qua thực tế kiểm toán tại các địa phương cho thấy, nhiều cuộc kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như cuộc kiểm toán ngân sách địa phương của tỉnh Đồng Nai do KTNN khu vực XIII thực hiện trong năm 2023, sơ bộ kết quả dự kiến kiến nghị tăng thu hơn 47,6 tỷ đồng; thu hồi giảm chi ngân sách 682,2 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị điều chỉnh giảm lỗ 14,3 tỷ đồng và xử lý khác 260 tỷ đồng...

Cùng chuyên mục
Bài 1: Kiểm toán nhà nước và địa phương - mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả