Sản phẩm OCOP mang lại giá trị cao và thay đổi tư duy sản xuất
Xác định vai trò quan trọng của Chương trình OCOP trong việc thay đổi đời sống người dân vùng nông thôn, Nhà nước đã nỗ lực kiến tạo khi ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện chương trình. Ngày 07/5/2018, Việt Nam chính thức ban hành chính sách tổng thể cấp quốc gia về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 xác định, trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách dành cho chương trình cũng được Chính phủ, các ngành, địa phương ban hành, như: Hỗ trợ đào tạo, ưu đãi đất đai, tín dụng…
Nhờ đó, qua hơn 6 năm triển khai đến nay cả nước đã có trên 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó hơn 72% là sản phẩm 3 sao, 26% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Hiện các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, chiếm hơn 30% tổng lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác. Các hợp tác xã thể hiện sự năng động hơn khi từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên như trước đây.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra các thị trường. Các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp tăng thu nhập cho người dân (cao hơn 1,5-2 lần so với sản xuất truyền thống) là minh chứng cho thấy tác động từ chương trình đến kinh tế vùng nông thôn. “Để đạt chứng nhận OCOP với nhiều hạng sao khác nhau, sản phẩm trải qua nhiều cấp, nhiều quy trình, cao nhất là cấp Trung ương thẩm định nên chất lượng đã được kiểm chứng” - ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nói và cho biết thêm, các sản phẩm được công nhận OCOP đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho người sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các thị trường ngày càng gia tăng.
Gần đây xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, khi người dân ngày càng ưa chuộng các cửa hàng bán lẻ hiện đại, tiện lợi. Thay vì cố gắng tìm vào siêu thị lớn, các sản phẩm OCOP có thể tiếp cận từ hệ thống phân phối nhỏ lẻ trước, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để thuận lợi trong tiếp cận thị trường.
Bà Trịnh Thị Hồng Loan (Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam)
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sự ra đời của sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh, đặc biệt là gắn kết với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch, dựa trên sản phẩm nông nghiệp và tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng. Đặt kỳ vọng lớn vào chương trình trong việc làm thay đổi căn bản sản xuất vùng nông thôn, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) chia sẻ: “Với những giá trị to lớn từ chương trình mang lại, chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục triển khai, nhân rộng sản phẩm OCOP, coi đây là giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn khi chương trình sẽ kết thúc vào năm nay”.
Sản phẩm 4,5 sao vẫn… khó vào siêu thị
Bên cạnh những giá trị to lớn mang lại cho sản xuất nông nghiệp và góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng nông thôn, việc nhân rộng sản phẩm OCOP đang phải đối diện với một số thách thức cần giải quyết để gia tăng giá trị và hướng đến phát triển bền vững.
Theo Bộ NNPTNT, có tình trạng nhiều sản phẩm OCOP dù được công nhận hạng sao, lại không thể duy trì được vị thế trên thị trường, khiến người dân không muốn đăng ký công nhận lại hạng sao cho sản phẩm sau khi hết hạn. Nhiều người dân còn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu hoặc có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương. Đặc biệt, việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị được coi là bước đi chiến lược nhằm mở rộng kênh tiêu thụ, giúp sản phẩm tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp phải nhiều thách thức. Cụ thể, theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, phần lớn sản phẩm OCOP được tiêu thụ chủ yếu tại các kênh bán hàng truyền thống, một số sản phẩm bắt đầu được bán trên các sàn thương mại điện tử. Song số lượng sản phẩm được bày bán tại các trung tâm thương mại hay siêu thị còn rất hạn chế (hiện chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng số sản phẩm OCOP).
Lý giải về vấn đề này, một số chủ thể OCOP cho rằng, việc đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại hay siêu thị phải chịu chiết khấu cao, dẫn đến giá cả sản phẩm cũng tăng lên, khó cạnh tranh với hàng ngoại. Chưa kể, việc kết nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ chưa hiệu quả… “Có tình trạng một số siêu thị chưa thực sự mặn mà với việc đưa sản phẩm OCOP lên kệ” - nhiều chuyên gia nông nghiệp cho biết.
Do đó, các ý kiến cho rằng, để phát triển sản phẩm OCOP, trước hết các chủ thể OCOP phải không ngừng đổi mới quy trình sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; sớm hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp - người sản xuất, phát triển đa dạng các kênh phân phối sản phẩm… Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình một cách rộng rãi, hiệu quả hơn để làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Trong phát triển sản phẩm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển sản phẩm gắn với làng nghề, du lịch nông thôn; đồng thời, cần giữ vững chất lượng sản phẩm và đổi mới mẫu mã, hình thức để tạo ấn tượng với người tiêu dùng./.