Slovak: Chậm chạp trong việc cải tạo các tòa nhà công

(BKTO) - Văn phòng Kiểm toán tối cao nước Cộng hòa Slovak (SAO) vừa qua đã thông tin về cuộc kiểm toán xem xét việc cải tạo các tòa nhà công cộng từ năm 2014 đến 2021.

Có khoảng 15.000 tòa nhà công ở Slovakia. Trong các năm được kiểm toán, chỉ 2.602 tòa nhà công được cải tạo. Với tốc độ này, sẽ mất 27 năm để cải tạo tất cả các tòa nhà công. Một số tòa nhà được cải tạo một phần nhưng thực tế có tới 75% trong số này cần được cải tạo chuyên sâu.

_-_-_panoramio.jpg
Nhiều tòa nhà công cần cải tạo chuyên sâu. Ảnh sưu tầm

SAO cho biết, việc cải tạo trên khá chậm chạp. Nguyên nhân là do việc cải tạo không có hệ thống, không tiến triển với tốc độ kỳ vọng, không thiết lập được cơ sở dữ liệu quốc gia và không giảm mức tiêu thụ năng lượng. Với mức giá cao như hiện nay, chi phí vận hành các tòa nhà hành chính công sẽ gia tăng đáng kể. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan quản lý hiệu quả năng lượng của các tòa nhà không có công cụ trực tiếp, hiệu quả để cải tạo các tòa nhà công.

Phó chủ tịch SAO Jaroslav Ivančo cho biết: “Cuộc kiểm toán của SAO cho thấy kinh phí từ ngân sách công là không đủ. Một số trở ngại cản trở việc cải tạo chuyên sâu là thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về các tòa nhà, không thể sử dụng quỹ của Liên minh châu Âu (EU) cho hoạt động này ở khu vực tự trị Bratislava, chủ sở hữu và người quản lý các tòa nhà công chưa tham gia tích cực. Quản trị các tòa nhà công cần tích cực hơn và có các biện pháp giúp tiết kiệm hơn trong quản lý, vận hành nhằm quản lý và sử dụng các tòa nhà hiệu quả hơn”.

SAO cũng phát hiện ra rằng, các nhà quản lý của các tòa nhà công thiếu năng lực chuyên môn để đạt được mục tiêu đề ra. Các bộ phận riêng lẻ cải tạo các tòa nhà chủ yếu theo nguồn lực sẵn có hiện tại mà không có đánh giá phân tích, quan điểm về các ưu tiên và lập kế hoạch đầu tư có hệ thống vào việc cải tạo. Các yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ cao về việc sử dụng nguồn lực công không hiệu quả và lãng phí.

SAO kiến nghị Chính phủ cần thành lập một cơ quan duy nhất có thẩm quyền quản lý các tòa nhà công; việc tài trợ cải tạo các tòa nhà từ các nguồn lực của EU cần được minh bạch hơn; một cơ sở dữ liệu số hóa với dữ liệu phân tích hiện tại về tình trạng của các tòa nhà công cũng cần được xây dựng, làm cơ sở để lên kế hoạch tái thiết; nghĩa vụ thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dữ liệu hiệu quả năng lượng của các tòa nhà ở Slovakia cũng cần tuân theo chỉ thị của EU./.

Cùng chuyên mục
Slovak: Chậm chạp trong việc cải tạo các tòa nhà công