Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Các kiến nghị kiểm toán được tham mưu thực hiện kịp thời, nghiêm túc

VIẾT CHUNG (thực hiện) | 08/09/2023 15:34

(BKTO) - Qua kiểm toán ngân sách địa phương những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung về quản lý vốn đầu tư công theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN); tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tạo những chuyển biến, thay đổi tích cực để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc với phóng viên Báo Kiểm toán.

so-khdt-vinh-phuc.jpg
Ông Phạm Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HUY THÀNH

Xin ông cho biết tình hình phân bổ, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh những tháng vừa qua?

Chúng tôi xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Ngay từ đầu năm, Sở KHĐT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, thực hiện và giải ngân vốn.

Cụ thể như thành lập tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; phân công lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm và các huyện; yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể và cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2023 của từng dự án; giao UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng, lộ trình tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Với tỉnh Vĩnh Phúc, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao tính đến ngày 31/7/2023 là 11.029,691 tỷ đồng, đạt 100%; trong đó vốn đầu tư công năm 2023 do trung ương giao là 7.688,404 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương giao bổ sung trong năm là 3.341,287 tỷ đồng.

Lũy kế giải ngân 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4.000 tỷ đồng, bằng 53% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 37% so với tổng vốn đầu tư công năm 2023; đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố và cao hơn so với mức bình quân của cả nước (35,49%).

Từ các kiến nghị kiểm toán những năm qua, Sở KHĐT đã có những chuyển biến, thay đổi tích cực nào nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương, thưa ông?

Qua kiểm toán ngân sách địa phương những năm qua, Sở KHĐT đã tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung về quản lý vốn đầu tư công theo kiến nghị của KTNN; đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tạo những chuyển biến, thay đổi tích cực để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công của tỉnh.

Một là, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hai là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các nhiệm vụ, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công.

ttx.jpg
Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: TTXVN

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình dự án đầu tư cụ thể. Chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bốn là, tăng cường công tác kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng thanh toán vốn. Tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định.

Năm là, thường xuyên đôn đốc các sở ban ngành UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra rà soát khối lượng hoàn thành các dự án để kịp thời đề xuất bố trí vốn không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản theo quy định của luật đầu tư công.

Ông có thể chia sẻ một số kết quả tiêu biểu, cụ thể của Sở KHĐT Vĩnh Phúc trong việc thực hiện kiến nghị của KTNN những năm gần đây?

Hàng năm, sau khi nhận được kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, Sở KHĐT đã triển khai thực hiện khắc phục tại đơn vị, trong đó yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc Sở tổ chức quán triệt chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các nội dung KTNN kết luận, kiến nghị; tăng cường chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm giải quyết, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất đặc biệt là các lĩnh vực có nội dung còn tồn tại đã được KTNN kiến nghị trong quá trình kiểm toán.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng phòng chuyên môn thực hiện ngay việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở báo cáo UBND tỉnh các biện pháp giải pháp cụ thể để khắc phục các nội dung tồn tại được KTNN kết luận, kiến nghị. Qua đó, hầu hết các kiến nghị kiểm toán liên quan đã được Sở KHĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện kịp thời, nghiêm túc.

Một số kết quả tiêu biểu như, đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung xử lý hoàn thành 100% nợ đọng xây dựng cơ bản trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực và đến nay không có phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đã hoàn thành việc hoàn trả ứng trước ngân sách trung ương và trái phiếu Chính phủ theo quy định.

Việc lập hồ sơ phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công đã phù hợp với khả năng thực hiện và hạn chế việc điều chỉnh nhiều lần trong năm hoặc phải hủy kế hoạch vốn hoặc chuyển nguồn vốn sang năm sau; giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hàng năm cho các chương trình dự án vào cuối năm trước kế hoạch.

Thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng tổng thể các nguồn vốn ngân sách địa phương nhằm chủ động về chuẩn bị đầu tư các dự án. Tham mưu kịp thời UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Theo đó, tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các năm 2021-2022 của tỉnh luôn đạt 100% tổng vốn kế hoạch do Trung ương giao. Cùng với đó, công tác giám sát đánh giá đầu tư ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện.

Ông có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương?

Để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại tỉnh Vĩnh Phúc, Sở KHĐT đề xuất KTNN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng hoặc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

Đồng thời tiếp tục phối hợp thực hiện tốt quy chế, phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp.

Hơn nữa, cần tăng cường công tác trao đổi, hỗ trợ, góp ý cho tỉnh Vĩnh Phúc những cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; hướng dẫn tỉnh xử lý đối với các kết luận kiến nghị của KTNN khó có khả năng thực hiện, nhất là đối với các vụ việc do lịch sử để lại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Các kiến nghị kiểm toán được tham mưu thực hiện kịp thời, nghiêm túc