Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho nông thôn mới

(BKTO) - Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, các địa phương cần đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực này; đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn.

2ee01843966d45331c7c.jpg
Hưng Yên là 1 trong 5 tỉnh được Chính phủ công nhận là hoàn thành xây dựng NTM. Ảnh sưu tầm

Nguồn vốn huy động tăng lên hằng năm

Là 1 trong 5 tỉnh được Chính phủ công nhận là hoàn thành xây dựng NTM, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng NTM theo tiêu chí mới. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 22 xã được công nhận đạt chuẩn NMT nâng cao, 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Thông qua việc thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn ngày càng có bước chuyển mình khá toàn diện, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa và bảo trì hằng năm.

Đặc biệt, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, phong trào xây dựng NTM ngày càng lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Những kết quả trên là nhờ sự đóng góp quan trọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn khác.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Chương trình MTQG về xây dựng NTM là chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy các nguồn lực, nhất là việc phát huy quyền làm chủ của dân, huy động sức dân để xây dựng cuộc sống mới, ấm no cho dân, nhằm xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương - cho biết, nếu như năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, thì đến năm 2022, con số này tăng lên 744.723 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng. “Những con số này đã phần nào cho thấy mức độ quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội đến Chương trình, cũng như triển vọng lớn trong việc thu hút nguồn lực đầu tư cho Chương trình” - ông Sơn nhấn mạnh.

Nguồn ngân sách đóng vai trò “vốn mồi” để thu hút các nguồn huy động từ doanh nghiệp, người dân tự nguyện đóng góp không ngừng tăng lên trong cơ cấu nguồn vốn cho Chương trình NTM. Cụ thể, nếu như năm 2021, các con số này lần lượt là 20.975 tỷ đồng (chiếm 3,5%) và 15.847 tỷ đồng (2,6%), thì đến năm 2022, nguồn đóng góp của doanh nghiệp tăng lên 34.881 tỷ đồng (chiếm 4,7%); người dân tự nguyện đóng góp 21.392 tỷ đồng (chiếm 2,9%).

Tăng cường giám sát để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả

Xác định nguồn vốn cho NTM đóng vai trò vô cùng quan trọng, thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế huy động khá linh hoạt, đa dạng hoá các nguồn vốn thông qua lồng ghép các chương trình MTQG trên địa bàn; đồng thời tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Từ kinh nghiệm của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) Đặng Xuân Lương cho biết, bên cạnh việc tăng cường huy động nguồn lực cho NTM, huyện đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực.

Theo đó, các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM được huyện phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích và đối tượng. Huyện đã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh như: Nạo vét kênh mương thủy lợi, giao thông, trường học, y tế...

"Việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, thực hiện đúng quy chế dân chủ, không áp đặt” - ông Lương cho biết, đồng thời nhấn mạnh, gắn với việc triển khai, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch trong sử dụng nguồn vốn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình xây dựng NTM cũng chính là yêu cầu được Quốc hội đặt ra nhằm đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Theo đó, năm nay, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ tiến hành giám sát tại nhiều địa phương, thông qua đó để kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, từ đó kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan hữu quan sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện, nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện các chương trình.

Nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang thực hiện kiểm toán các chương trình MTQG. Trong đó, đối với Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, KTNN đang tiến hành kiểm toán tại Bộ NNPTNT và 13 tỉnh, thành phố.

Theo KTNN chuyên ngành II - đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán: Một số mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá tính tuân thủ pháp luật; đánh giá công tác quản lý chỉ đạo điều hành của các đơn vị tham gia quản lý Chương trình; kiến nghị chấn chỉnh những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành; đánh giá tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu, tiến độ thực hiện Chương trình; kiến nghị với đơn vị được kiểm toán khắc phục những sai phạm, yếu kém trong hoạt động quản lý; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho phù hợp...

Để đảm bảo đạt kết quả cao trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT - cho rằng, nguồn lực ngân sách Trung ương hỗ trợ cần phải được bảo đảm về mức và thời hạn theo cam kết; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong sử dụng, để người dân được tiếp cận giám sát. Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành để tăng hiệu quả thực hiện, đem lại tác động tích cực cho xây dựng NTM.

Tính đến hết tháng 6/2023, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2023 là khoảng 1.752.000 tỷ đồng, trong đó, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

Cùng chuyên mục
Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho nông thôn mới