Sức nóng tỷ giá và tâm thế của nhà điều hành

(BKTO) - Phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng là biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện để "hạ nhiệt" tỷ giá. Nhà điều hành sẽ còn có thêm công cụ nào để ứng phó nếu tỷ giá tiếp tục diễn biến bất lợi?

ty-gia-vnd.jpg
NHNN sẵn sàng các biện pháp can thiệp nếu tỷ giá tiếp tục diễn biến bất lợi. Ảnh minh họa

Nhiều yếu tố đẩy tỷ giá lên cao

Cùng với đà tăng “chóng mặt” của giá vàng, tỷ giá VND/USD những ngày qua liên tục xô đổ các kỷ lục mới và dự báo sẽ còn “rất nóng”. Từ đầu tuần đến nay, giá USD giao dịch trên kênh ngân hàng nối dài chuỗi ngày tăng. Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%.

VND tăng 4,9% song vẫn thấp hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, so với USD, đồng Baht (Thái Lan) mất giá 7,13%, đồng Yen (Nhật Bản) mất giá 9,69%, Won (Hàn Quốc) mất giá 7,71%, Ringgit (Malaysia) mất giá 7,36%...

Nhận định về diễn biến tỷ giá, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, khác với năm 2022 và 2023, tỷ giá năm nay đã “nóng” ngay từ đầu năm. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng cao hơn cả mức mất giá của cả năm 2022 là 3,4%. Nếu tính từ khi NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3/2024), tỷ giá đã tăng 2,57%.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lý giải: 3 yếu tố chính khiến tỷ giả tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong năm 2024, nhưng đến nay, Fed vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao; số liệu việc làm, thị trường liên tục điều chỉnh. Cùng với đó, biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới, chỉ số USD (DXY) tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, thời gian qua, chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra sự bất cập về chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (duy trì tình trạng lãi suất âm, lãi suất USD thấp hơn VND) khiến tỷ giá tăng lên. Chính vì vậy, việc điều hành chính sách lãi suất như thế nào để phù hợp với tỷ giá là vấn đề đặt ra.

Thứ ba, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nhằm đáp ứng sản xuất, tăng trưởng cũng gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, tỷ giá tăng còn do yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cũng cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tỷ giá tăng đến từ chính bản thân đồng USD. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm, cầu ngoại tệ sẽ tăng, đây là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Những động thái này của thị trường là hết sức tự nhiên.

Bên cạnh đó, tỷ giá chịu áp lực cao còn do biến động của giá vàng. “Khi giá vàng toàn cầu tăng vọt, giá vàng tại Việt Nam cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, tạo áp lực lên tỷ giá trên thị trường chợ đen và ảnh hưởng đến thị trường chính thức” - Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định.

Sẵn sàng tâm thế ứng phó với biến động tỷ giá

Ứng phó với biến động tỷ giá, thời gian qua, NHNN đã phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

Tuy nhiên, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại cho rằng, việc phát hành tín phiếu để điều tiết thị trường của NHNN không đạt được hiệu quả như mong muốn do động thái này chỉ tác động tới hoạt động carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu và găm giữ USD vẫn tiếp diễn.

Liên quan đến động thái này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết: Lần phát hành tín phiếu năm nay, NHNN đã dùng ngay kỳ hạn 28 ngày thay vì các kỳ hạn 7 và 14 ngày trong các năm trước. Lãi suất tín phiếu cũng tăng nhanh, từ mức ban đầu là 1,4% lên đến hiện tại là 3,5%. Như vậy, nếu nhìn vào kỳ hạn và lãi suất thì có thể thấy động thái này rất quyết liệt. Tuy nhiên, khối lượng phát hành không nhiều như năm 2023.

“Đây là các bước đi ban đầu để thăm dò thị trường. Sau bước thăm dò thị trường vừa qua, NHNN có thể sẽ sử dụng thêm một số công cụ khác để kiểm soát tỷ giá” - ông Linh nhận định.

Để kiểm soát tỷ giá, ngày 19/4, NHNN đã bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng với giá 25.450 đồng/USD. Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, đây là biện pháp mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi NHNN công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN.

Sáng 20/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam hiện ở mức 24.260 VND/USD, tăng 29 VND. Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index (DXY) ở mức 106,13 điểm, giảm 0,02% so với giao dịch ngày 19/4. Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 - 25.392 VND/USD. Tỷ giá USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.392 VND/USD.

Giới phân tích nhận định, đầu năm 2024 vẫn là một giai đoạn khó khăn cho NHNN trong việc điều hành tỷ giá, nhất là khi ngoài những áp lực hiện hữu từ năm 2023, chính sách này còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng. Giá USD tăng cao gây bất lợi cho nền kinh tế vì ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa nhập khẩu, từ đó áp lực lên lạm phát sẽ gia tăng.

“Nếu tỷ giá USD có những biến động bất lợi, NHNN sẵn sàng can thiệp” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc điều hành tỷ giá đảm bảo ổn định nhưng không cố định, lên xuống phù hợp, giảm chấn tác động, tạo sự cân đối, hài hòa.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cũng cho biết thêm, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để tiếp tục có biện pháp đảm bảo bình ổn thị trường, các cân đối lớn của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát./.

Cùng chuyên mục
Sức nóng tỷ giá và tâm thế của nhà điều hành