Trên đà phục hồi, ngành du lịch “khát” nhân lực chất lượng cao

(BKTO) - Trong bối cảnh ngành du lịch đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch, với đòi hỏi ngày càng khắt khe của du khách, việc đáp ứng yêu cầu về số lượng, đặc biệt là chất lượng nhân lực du lịch sẽ góp phần quan trọng giúp ngành du lịch “ghi điểm” trước du khách…

dsc_0710.jpg
Khi du lịch dần phục hồi, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao gia tăng. Ảnh: N.Lộc

Du lịch phục hồi mạnh, tăng áp lực lên nguồn lao động

Ngành du lịch đang chứng kiến sự phát triển mạnh trong 10 tháng vừa qua. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), tháng 10/2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế (tháng thứ tư liên tiếp đón số lượng khách quốc tế vượt quá 1 triệu lượt), phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa.

Tính chung 10 tháng năm 2023, toàn ngành du lịch đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Trước đà tăng này, mới đây, Bộ VHTTDL đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong năm 2023 từ 8 triệu lên 13 triệu lượt.

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch cũng đặt ra một thách thức lớn, đó là tình trạng khan hiếm, khó giữ chân nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch và bếp. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế…

Theo Bộ VHTTDL, đây một phần là hệ quả từ đại dịch Covid-19 đến nay chưa thể khắc phục. Theo đó, năm 2020 các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%... Điều này đồng nghĩa một lượng lớn lao động đã rời ngành, trong đó một bộ phận đã chuyển hẳn sang ngành nghề khác.

vthbinh_watermark-1-.jpg

Khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm với công việc mới, dẫn đến khi ngành du lịch hoạt động trở lại, họ không quay về việc cũ nên tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch sẽ rất căng thẳng.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, khi ngành du lịch đang phục hồi mạnh, nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, kinh nghiệm trong ngành sẽ trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, để tìm được đội ngũ nhân lực đáp ứng các yêu cầu này không phải dễ. Chưa kể, sau đại dịch, đòi hỏi của du khách về dịch vụ, thái độ giao tiếp cũng khắt khe hơn, nên các bộ phận nhân sự từ hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, đầu bếp… cũng phải chuyên nghiệp hơn để đáp ứng yêu cầu của du khách.

Theo ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, áp lực về nguồn lao động chất lượng càng gia tăng, khi theo dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần khoảng 1 triệu buồng lưu trú và đến năm 2030 cần khoảng 1,4 triệu buồng. Tương ứng với đó, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022-2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60 nghìn lao động.

“Giải pháp căn cơ, đó là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, chú trọng đào tạo chuyên sâu, có nghề, tránh đào tạo tràn lan” - ông Thủy cho biết.

Chú trọng đào tạo - giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng lao động

Các ý kiến cho rằng, đối với cơ sở đào tạo, ngoài việc đảm bảo thời gian thực hành cho sinh viên, các trường cần chú trọng rèn kỹ năng mềm và những yêu cầu từ thực tiễn của ngành, từ đó hình thành kỹ năng giải quyết tình huống, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

dsc_4156.jpg
Công tác đào tạo là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, khi thị trường du lịch chịu tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động không chỉ cần nghiệp vụ vững vàng mà còn phải có khả năng làm chủ được các công nghệ tiên tiến. Ở mức cao hơn, TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, nhân lực chất lượng cao còn phải có tư duy đổi mới, dự báo được xu hướng phát triển của ngành du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, đón đầu xu thế. Muốn làm được điều này, "cần chú trọng gắn đào tạo với thực hành và tăng cường tổ chức cho sinh viên tiếp xúc với thực tiễn, nắm bắt tình hình trong nước và quốc tế" - TS. Vũ Xuân Hùng cho biết. 

Hiện cả nước có 278 cơ sở đào tạo có tham gia đào tạo các ngành, chuyên ngành lĩnh vực du lịch, gồm: 101 trường đại học có các khoa đào tạo về du lịch, 110 trường cao đẳng và 67 trường trung cấp.

Ngoài các cơ sở trên, Bộ VHTTDL có 10 trường đào tạo về du lịch, trong đó 2 trường thuộc khối giáo dục đại học có khoa Du lịch và 8 trường cao đẳng thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên sâu các ngành, nghề về lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh liên kết và hợp tác trong đào tạo, đặc biệt là với doanh nghiệp; xây dựng chương trình theo hướng ứng dụng, bồi dưỡng giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ngành nghề; tiêu chuẩn hoá nhân lực du lịch; áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch…

       

o-khai.jpg

Để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, sự nỗ lực của cơ sở đào tạo là chưa đủ. Giải quyết vấn đề này cần sự liên kết chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà nước - nhà trường và nhà tuyển dụng, trong đó, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng vừa là đơn vị tham gia đào tạo, vừa là đơn vị thụ hưởng của quá trình đào tạo

Ông Trịnh Cao Khải

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải, trước áp lực về nguồn nhân lực như hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm hơn để có chính sách hỗ trợ, tiếp nhận sinh viên thực tập tại đơn vị; tham gia cải tiến chương trình đào tạo; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở đào tạo…

Về giải pháp trước mắt, các ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp cần phối hợp, huy động các nguồn lực để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chính đội ngũ lao động đang làm việc, từng bước giải tỏa cơn “khát” nhân lực hiện nay.

img_0419.jpg
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên về điểm đến tại địa phương. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh đó, khi du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn phát triển, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách.

“Là giải pháp trước mắt, nhưng cũng có ý nghĩa lâu dài. Bởi khi người dân nhận thấy quyền lợi của mình từ hoạt động du lịch, họ sẽ nỗ lực nâng cao trình độ và lúc đó, đây sẽ là hướng đi bền vững nhất” - PGS,TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch nhận định. 

Cùng chuyên mục
Trên đà phục hồi, ngành du lịch “khát” nhân lực chất lượng cao