Tận dụng cơ hội lao động, việc làm từ EVFTA

Theo dự báo, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022-2025. Để có thể tận dụng được những cơ hội về lao động, việc làm từ EVFTA, Việt Nam cần phải làm gì?

lao-dong-evfta.jpg
Dự báo, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022-2025. Ảnh: TTXVN

EVFTA sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm

Nhìn nhận về những tác động của EVFTA với thị trường lao động, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) - cho biết, thực trạng lao động việc làm của Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2012-2019 và bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều việc làm trong ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ra.

Đáng chú ý, thuế suất xuất khẩu giảm đã có tác động tích cực, làm tăng tiền lương bình quân của lao động. So với các khu vực khác, tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong khu vực xuất nhập khẩu từ các nước thuộc EVFTA cao hơn so với các khu vực còn lại khoảng 17% đến 28%.

Sau thời điểm EVFTA có hiệu lực, tiền lương bình quân của người lao động cao hơn khoảng 11% so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Hưởng lợi hơn về mức lương là nhóm lao động nữ, lao động khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Đại diện của Viện Khoa học Lao động và Xã hội dự báo, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022-2025, bình quân khoảng 36.500 lao động/năm, tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA.

Các ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, tác động EVFTA đến khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt nhiều.

Theo TS. Hoàng Xuân Trung - Viện Nghiên cứu châu Âu, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư từ EU, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ cao của Việt Nam như: Điện tử, ô tô, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác như: Nông sản thực phẩm chế biến, dịch vụ, tài chính...

Chú trọng truyền thông, dự báo và đào tạo nhân lực

Để có thể tận dụng tối đa cơ hội đối với vấn đề lao động, việc làm từ EVFTA, trước hết, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Ông Phạm Ngọc Toàn đề xuất, cần tăng cường công tác truyền thông để các đơn vị quản lý, người lao động và nhất là doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ, từ đó nhận thức được cơ hội tiềm năng từ EVFTA.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam - cũng cho rằng: Dù EVFTA đã có hiệu lực được 2 năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được lợi thế mà EVFTA đem lại. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên cụ thể hóa, chi tiết hóa các nội dung của EVFTA để có thể giúp cho doanh nghiệp, người lao động hiểu kỹ về quyền và lợi ích được hưởng từ các hiệp định này.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác dự báo cũng cần phải được quan tâm. Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - nhấn mạnh, việc dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA rất quan trọng. Vì khi có dự báo chính xác, cơ quan chức năng sẽ có những kiến nghị phù hợp để điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Toàn cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần thực hiện công tác đánh giá và dự báo tác động của EVFTA và CPTPP hằng năm nhằm giúp Việt Nam kịp thời có những giải pháp ứng phó biến động của thị trường lao động (số lượng, chất lượng, loại lao động...), những thay đổi về chính trị - kinh tế của các nước tham gia hiệp định, khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia, một số ngành trong nước có thể bị thu hẹp do cạnh tranh.

Việc dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề sẽ là cơ sở để Việt Nam điều chỉnh cơ cấu đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của EVFTA.

Bên cạnh đó, để có thể tận dụng được cơ hội lao động, việc làm từ EVFTA, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng, tất cả các bên liên quan phải cùng vào cuộc, chung tay xây dựng, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc.

Đồng thời, điều quan trọng là chủ động đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động; đa dạng hóa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.

Ngoài việc đào tạo về kỹ năng, điều lưu ý là việc đào tạo cần đảm bảo để người lao động tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng như các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngay cả bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới; chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU. Việc nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh sản xuất sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập hơn cho người lao động./.

Cùng chuyên mục
Tận dụng cơ hội lao động, việc làm từ EVFTA