Bộ Tư pháp vừa tổ chức Phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển; nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc - Nam, trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 thông ra biển Đông qua cảng Cửa Lò. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Nghệ An đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn chưa tận dụng được lợi thế của mình để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết nhằm thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistic, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An như đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất 05 nhóm lĩnh vực với tổng số 18 chính sách, gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (05 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (04 chính sách); quản lý đầu tư (04 chính sách); phát triển kinh tế biển (02 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (03 chính sách).
Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về từng nhóm chính sách; đồng thời các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, rõ ràng cơ sở đề xuất các chính sách mới; làm rõ việc bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh so với quy định hiện hành để phụ trách địa bàn vùng miền núi; hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội…
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện cả nước có 9 địa phương có Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có tỉnh Nghệ An. Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã bước đầu giải quyết khó khăn cho tỉnh, tuy nhiên, một số quy định chưa thực sự tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.
Khái quát một số đặc thù về diện tích, dân số của tỉnh, ông Trung nhấn mạnh, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển. Theo đó, các chính sách tại đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của tỉnh Nghệ An bám sát chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 39-NQ/TW để vừa đảm bảo tính đặc thù cho địa phương vừa không “phá vỡ” sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá, tỉnh Nghệ An có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác khi đã có Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An với đặc thù dân số đông, diện tích rộng lớn phần nào đã gây ra khó khăn cho địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Thứ trưởng cho rằng cần quy định cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistic, du lịch biển, công nghiệp hàng hải…; rà soát chính sách đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế; tập trung thể hiện chi tiết hơn các quy định về phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, biên chế…