Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động kiểm toán

Nhằm nâng cao chất lượng gắn với đạo đức công vụ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán và đơn vị liên quan phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, đoàn kiểm toán.

6a61b94abf63603d3972.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) được giao nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Thực hiện các nhiệm vụ đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là đơn vị kiểm toán phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kiểm toán để đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu đề ra. “Việc kiểm tra, giám sát trong hoạt động kiểm toán cần được thực hiện xuyên suốt, từ khâu chuẩn bị kiểm toán đến khi lập dự thảo báo cáo kiểm toán” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, đối với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả kiểm toán định kỳ; lãnh đạo đơn vị thường xuyên đánh giá tiến độ, kết quả kiểm toán, qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Theo KTNN khu vực XII, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị luôn đảm bảo tất cả các đoàn kiểm toán đều được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh việc nâng cao ý thức trách nhiệm của từng kiểm toán viên, đơn vị đã thành lập các tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) đối với tất cả các đoàn kiểm toán. Việc KSCLKT sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung từ khâu lập đề cương khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán theo quy định của KTNN. “Các tổ kiểm soát sẽ chú trọng kiểm soát việc ghi nhật ký kiểm toán, có báo cáo kết quả kiểm soát gửi các tổ kiểm toán hằng tuần để chấn chỉnh kịp thời. Tổ trưởng tổ kiểm toán và thành viên của Tổ kiểm soát trực tiếp kiểm soát chịu trách nhiệm liên đới về việc không thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII Phạm Văn Học cho biết.

Để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm soát của Ngành tập trung làm tốt công tác này trên tinh thần: Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm soát trong hoạt động kiểm toán nói riêng và toàn bộ hoạt động của cơ quan KTNN nói chung. Trong đó, Thanh tra KTNN cần tăng cường thanh tra công vụ về chấp hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, chấp hành quy định về đạo đức công vụ, việc thực hiện Chuẩn mực kiểm toán, các quy trình, hướng dẫn kiểm toán thuộc từng lĩnh vực, chuyên đề; Vụ Chế độ và KSCLKT cần tăng cường thực hiện các hình thức kiểm soát, chú trọng kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất, đặc biệt là tại các đoàn kiểm toán, nội dung kiểm toán quan trọng, phức tạp.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Với yêu cầu đề cao tính phòng ngừa, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quán triệt đến từng đơn vị kiểm toán và các đơn vị có chức năng liên quan. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác này, đó là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Theo Vụ Tổng hợp, quan điểm chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản của Ngành, đặc biệt là trong Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 được ban hành mới đây. Theo đó, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán… Bên cạnh đó, để tạo động lực thi đua trong thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị cần tích cực, chủ động phát hiện, biểu dương kịp thời các đoàn kiểm toán và kiểm toán viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để tạo động lực cho cán bộ, kiểm toán viên nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần gương mẫu, phát huy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn, việc nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, gắn với việc động viên, khích lệ kịp thời, sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước đã khơi dậy tinh thần thi đua, tạo sự tin tưởng và động lực cống hiến cho từng cán bộ, kiểm toán viên nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ” - ông Toàn cho biết.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín chia sẻ, để hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023, bên cạnh việc phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, KTNN khu vực V đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên và các quy định khác có liên quan… Do đó, trong bối cảnh hoạt động kiểm toán ngày càng phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay, từ lãnh đạo đơn vị đến người đứng đầu các bộ phận cần ý thức rõ hơn trách nhiệm nêu gương và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán trong việc thực hiện kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm KSCLKT của Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành III cho biết, đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm soát từ vụ tham mưu, cùng với hoạt động kiểm soát nội bộ để tăng cường phòng ngừa trên tinh thần “tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; thực hiện tốt các quy định về hoạt động kiểm toán của KTNN bắt đầu từ lãnh đạo các bộ phận”./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động kiểm toán