Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tổng cục GDNN |
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, nhân lực du lịch trở nên thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các DN lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% DN dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
“Nếu như năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Năm 2021, chỉ 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian” - ông Dũng thông tin.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Tổng cục GDNN Lê Anh Tuấn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tổ chức đi thực tập, thực tế của học sinh, sinh viên tại các DN du lịch gặp nhiều khó khăn. Một số DN du lịch phải đóng cửa, không đón khách hoặc chỉ duy trì ở mức tối thiểu nên hạn chế nhu cầu tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và giải quyết việc làm, từ đó gây ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, chất lượng đào tạo lao động.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường có chuyên ngành du lịch. Tâm lý của phụ huynh và học sinh - những người yêu thích ngành du lịch cũng có sự băn khoăn, cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề này.
Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở GDNN du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cũng cho thấy, số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%. Đến hết năm (tháng 12/2021), kết quả tuyển sinh cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Tổng cục GDNN |
Trên cơ sở nhìn nhận thực trạng, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất giải pháp để giải quyết bài toán thiếu nhân lực cho ngành du lịch. Trong đó, cần đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là trong GDNN.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường. Các cơ sở GDNN cần phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của DN..., tạo dựng niềm tin trong xã hội về GDNN.