Tăng cường kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Đề án 06

(BKTO) - Hà Giang tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” cho cấp cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp về Đề án 06 của Chính phủ.

ha-giang.jpeg
Tỉnh Hà Giang khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án số 06 của Chính phủ. Ảnh sưu tầm

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) quý I/2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới đây.

Theo thông tin tại Hội nghị, quý I/2024, việc thực hiện Đề án 06 tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến được nâng cao, đạt 88,8%; có 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đạt tỷ lệ 95%; kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đúng hạn trong quý I đạt 95,7%; tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 83,7%.

Công tác tuyên truyền được tăng cường; hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tính đến ngày 10/3/2024, toàn tỉnh đạt tỷ lệ kích hoạt 66,7%. Nhiều ứng dụng của Đề án số 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả cao. 

Hà Giang đã triển khai cho vay tín chấp hộ nghèo, người có công thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư để xác minh và làm sạch thông tin người vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 2.527 tỷ đồng/57.396 hộ khách hàng vay.

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2023, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2022 và là lần đầu tiên nằm trong top 15 tỉnh đứng đầu cả nước...

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả chưa cao: Chỉ số công khai minh bạch và số lượng TTHC cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia của tỉnh thấp, giảm so với năm 2023; tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội và thanh toán trực tuyến lĩnh vực y tế đạt thấp; công tác thu thập, cập nhật dữ liệu người lao động có nguy cơ chậm tiến độ đề ra; một số mô hình chậm tiến độ, chưa có kết quả cụ thể...

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh Hà Giang về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06 trên địa bàn; khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, lý do và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Sơn yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên nắm chắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 của cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là những chỉ tiêu, nhiệm vụ còn hạn chế, yếu kém, chậm tiến độ để kịp thời chỉ đạo thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” cho cấp cơ sở và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thành triển khai kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh với Hệ thống xác thực định danh điện tử và triển khai làm sạch tài khoản trên Cổng dịch vụ công; nâng cao chỉ số công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC của tỉnh và tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khẩn trương tham mưu đề xuất phương án, kinh phí để thực hiện hiệu quả hình thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng an sinh xã hội; đẩy mạnh việc chi trả viện phí không dùng tiền mặt và công tác làm sạch, tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VneID.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng yêu cầu duy trì tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, đảm bảo 100% người dân đủ điều kiện được cấp căn cước theo quy định; nâng cao trách nhiệm trong công tác thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, thường xuyên bổ sung chỉ tiêu phát sinh, đảm bảo cho dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Đề án 06