Tiếp và làm việc với Đoàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số sở, ngành tỉnh Yên Bái.
Về phía KTNN có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Thủ trưởng các đơn vị tham mưu, lãnh đạo KTNN khu vực VII.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã thông tin với Đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong năm 2022 và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội của Yên Bái đạt được những kết quả ấn tượng.
Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022, đạt 8,62%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2015; tính bình quân từ đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng GRDP đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 5,95%, cao nhất trong vùng và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực Tây Bắc.
Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 14.76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong Vùng.
Thương mại, dịch vụ, du lịch có sự phục hồi và phát triển nhanh chóng; năm 2022, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6,0%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 4.616,6 tỷ đồng, vượt 78,4% dự toán Trung ương giao, tăng 5,5% so với năm 2021.
Tổng số vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2022 đạt 37.215 tỷ đồng, bằng 37,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, cao hơn kế hoạch theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU (37.000 tỷ đồng). Tiến độ giải ngân đầu tư công luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ đạt khá. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 4.825 tỷ đồng, bằng 87,6% kế hoạch, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quan điểm, mục tiêu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, quyết tâm đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; Nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa - xã hội...
Thông qua buổi làm việc, hai Bên sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác kiểm toán ngân sách địa phương, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán và trong chính cơ quan KTNN.
- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn -
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy bày tỏ vui mừng được tiếp và làm việc với Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Đoàn công tác của KTNN.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá cao những kết quả công tác của KTNN, trực tiếp là KTNN khu vực VII trong hoạt động kiểm toán và công tác phối hợp với địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
"Thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp với địa phương, KTNN đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình" - ông Duy cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng nêu lên một số khó khăn, như: Văn bản pháp luật còn chồng chéo, dẫn đến quá trình triển khai tại địa phương còn nhiều khó khăn... từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN; cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, theo kiến nghị kiểm toán.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với KTNN, trong đó tập trung vào việc xây dựng phương án tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán; nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong phối hợp, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về kết quả kiểm toán; thông qua kiểm toán đánh giá các bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật để kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, kịp thời ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tăng cường phối hợp, hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên đề về tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ vui mừng trước nỗ lực và những kết quả mà tỉnh Yên Bái đã đạt được, trong bối cảnh địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, tạo điều kiện đến hoạt động của ngành KTNN nói chung, đặc biệt là sự phối hợp và tạo điều kiện đối với KTNN khu vực VII đóng trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ nói riêng.
Nhấn mạnh nội dung trọng tâm của buổi làm việc là hướng đến việc tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN với địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong tình hình mới.
Đồng tình với đề xuất của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy liên quan đến việc rà soát, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán để tạo điều kiện cho địa phương tập trung công tác điều hành, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, trong thẩm quyền được giao, KTNN sẽ chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và địa phương để cùng tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần “hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến địa phương do chồng chéo thanh tra, kiểm toán”.
Xác định năm 2023, toàn Ngành KTNN ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong hoạt động kiểm toán, do đó “đề nghị địa phương phối hợp tăng cường giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và kịp thời có phản ánh để KTNN chấn chỉnh” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.